Skip to content

Chừng nào "Việt Nam Minh Châu Trời Đông"?

Xin chỉ xài một nhân danh mà thôi, đó là: nhân danh một Việt Nam Minh Châu Trời Đông. Muốn có tư cách xài được nhân danh này, muốn nắm lấy được vận hội mới đang chờ đợi đất nước ở tương lai đòi hỏi phải có một tâm hồn trong sáng, không mưu cầu, không thù hận, cả lòng can đảm và trí tuệ nữa.

Bìa sách "Trong Mắt Bão Lịch Sử" của Đông Duy


"Việt Nam Minh Châu trời Đông
Việt Nam nước thiêng Tiên Rồng.
"

Có lẽ cái hình ảnh “một viên ngọc Việt Nam long lanh dưới trời Đông Á” mang vẻ quyến rũ kỳ lạ, như một nỗi khát khao, một mơ ước từ lúc mà tôi bắt đầu mơ hồ ý thức được là tôi rất yêu mến mảnh đất nơi tôi đã ra chào đời. Thật vậy “tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời” cùng với  giấc mơ :

Non sông như gấm hoa mê linh một phương
Xây vinh quang sáng trưng bên Thái Bình Dương.

Đông Duy Hoàng Kiếm Nam

Tháng 8 năm 1949, Pháp nhẩy dù xuống Bắc Kạn, đánh thốc lên đầu não của Việt Minh ở Cao Bằng để mở rộng vùng kiểm soát và cũng để yểm trợ cho hiệp định Elysee về một “Bang Việt Nam” vừa được Paris thừa nhận có nền độc lập riêng trong Liên Bang Đông Dương và trong Liên Hiệp Pháp.

Cựu hoàng Bảo Đại được đưa về làm Quốc Trưởng. Cái tên gọi nhập nhằng  (Etat du Việt Nam) và những ràng buộc chồng chéo giữa hai cái “cũi” liên bang Đông Dương và Liên Hiệp Pháp không hẳn đã mang hình ảnh đích thực một quốc gia Việt Nam hoàn toàn độc lập tự do mà còn chấp nhận tư cách pháp nhân của một tiểu bang Việt Nam trong đại liên bang là đế quốc Pháp. Sự kiện này dầu vậy đã bắt đầu tặng cho những người quốc gia tham gia kháng chiến nhưng bên ngoài Cộng Sản một điểm tựa mơ hồ và cũng là khởi đầu của những chuyển động để bước sang một giai đoạn mới.

Cùng với việc toàn thắng của Mao ở Hoa Lục và sự lộ rõ khuynh hướng, ảnh hưởng của Trung Hoa Cộng Sản, năm 1949 là lúc mà những người quốc gia kháng chiến ào ạt bỏ về Hà Nội.

Ở một xó rừng của Việt Bắc thâm u, mang một cái tên huyền bí âm u không kém là “Bản Mù, Bản Pịt”, trong nhà một thầy mo người Thổ có tên gọi ghê sợ là Ma Văn Khắm, vào lúc 8 tuổi đầu, trong một buổi chiều tà đã gần tắt nắng, tôi đã ôm một khẩu súng gỗ dài bằng đầu người, đứng bên cạnh vài ba người bạn của ông bố tôi, trước một lá cờ có hình ngôi sao sao trắng và nghe họ hát một bài hát có âm hưởng trầm buồn như một lời kinh cầu.

Dù chỉ có vài ba người thôi nhưng trong buổi chiều hôm đó, cung cách của họ rất trang nghiêm, thấm đậm một vẻ sùng kính khi hát bài hát nói trên. Vào lúc đó, tôi không hiểu trọn vẹn ý nghĩa của bài hát nhưng vài từ ngữ của bài hát này đã bám chặt trong trí nhớ tôi:

"Việt Nam Minh Châu Trời Đông,
Việt Nam nước thiêng Tiên Rồng."


Hỏi người lớn, “minh châu” là gì và được trả lời: “Minh châu là một viên ngọc sáng long lanh rực rỡ dưới trời Đông Á.”

Về Hànôi cuối năm 1949, quanh tôi có nhiều người mà tôi gọi bằng chú, bằng bác dù không phải cùng dòng họ. Chú Mai Đen, Chú Thái Trắng, chú Cộng, chú Chu Tử Kỳ, chú Nguyễn Duy Dị, chú Hùng bẹp tai, chú Tô văn, chú Bính Thỉnh, chú Tiến Khói, bác Nhượng Tống, bác Nguyễn Hoạt, Lan Khai, Đái Đức Tuấn, bác phó Kha (Pham văn Khung), Bác Lê Quang Luật, bác Chu văn Bình (Chu Tử) v. v. Nhiều lắm, những cái tên mà những người sinh hoạt chính trị ở phiá bên này chiến tuyến chống Cộng đều biết tới. Rất nhiều chú và bác khác mà tôi không thể nhớ hết nhưng tôi biết trong đó có nhiều người từng đứng dưới lá cờ có ngôi sao trắng và từng dơ tay thề bồi.

Giơ tay cương quyết ta ôn lời thề uớc,
hi sinh xương máu mong báo đền ân nước”.

Cá nhân tôi, chưa một lần thề bồi dưới lá cờ này nhưng tôi hát nhiều hơn bài hát đó Việt Nam Minh Châu trời Đông, Viêt Nam nước thiêng Tiên Rồng. Cá nhân tôi chưa có dịp “hi sinh xương máu báo đền ơn nước” nhưng kể từ ngày đó, gần nửa thế kỷ rồi, từ Nam tới Bắc, có gia đình nào mà không từng đóng góp một chút xương máu để xin báo đền ơn nước dù đứng ở dưới lá cờ nào, nhân danh chủ nghĩa nào.

Tôi lớn lên bình thường và tầm thường như mọi người Việt Nam, nhẫn nhục, chịu đựng cố sống còn và chờ đợi trong hoang mang, mơ màng, một ngày nào đó được nhìn thấy đất nước tôi viên ngọc sáng lung linh dưới trời Đông Á.

Càng lớn lên, càng già đi, còng lưng dưới sức nặng của thời gian, cơm áo và sự hèn kém của mình thì dường như nỗi khát khao chờ đợi này càng lớn rộng hơn, thôi thúc hơn.

Trải qua hai trận chiến, trên 3 triệu sinh mạng “tan tành với núi sông”, đến nay, ở đoạn chót của cuộc đời, nhìn vào đám người đang bịt mắt biểu tình hò hét chống Cộng như một vở tuồng nhàm chán, nhìn vào đám quan chức Cộng Sản đương quyền ăn cắp ngập miệng, “phóng tay đốt nhà táng giấy”, đánh bạc cá tiền triệu ở Việt Nam, bố ôm quyền, con làm tiền, rồi nhìn xa hơn nữa, trên quả địa cầu nhỏ bé trước mặt tôi, mảnh đất Việt Nam như một cô gái gầy còm, thắt lưng ong, đang bị bao vây tứ phía bởi trên một tỷ chú con trời, biến đất nước tôi thành một bãi rác trong lúc ở bên này bờ biển Thái, một chị dân biểu Hoa Kỳ sồng sộc vào nước tôi như một quan thái thú tân thời đi tuần tra, và báo chí ở nơi đây, ở xứ Hoa Kỳ hết lời ca ngợi một “đạo luật” nhân quyền cho Việt Nam của Quốc hội Mỹ soạn thảo!!!

Lạ nhỉ, một quốc hội Mỹ soạn thảo một đạo luật nhân quyền cho Việt Nam?
Trong hoang mang, tôi vẫn chờ đợi được tận mắt thấy trong cuộc đời mình một Việt Nam “xây vinh quang sáng trưng bên Thái Bình Dương.

2

Một vài năm trước, khi Việt Nam vừa hé cửa, tôi tâm sự với một ông bạn bác sĩ là tôi lo quá vì trong tình trạng ngèo đói kinh niên, mãnh lực của đồng tiền thật dữ dội, bệnh AIDS ở Việt Nam có thể trở thành một bệnh dịch toàn diện (pandemic), sợ sẽ quất sụm cơ may phục hồi đất nước sau 30 chục năm chiến tranh và đóng cửa. Ông bạn chỉ nhún vai, cười tôi sức bé như con nhái mà cứ lo chuyện “bò trắng răng.

Biết là lo chuyện lo bò trắng răng nhưng mà sao vẫn lo, lo xa, lo gần. Lo chuyện ở Việt Nam ngày nay người ta chen nhau “sống cái đã” cho dù có phải uống thuốc độc để sống qua ngày hôm nay cũng sống cái đã, thức ăn ướp bằng formol, rau cỏ xịt dầu nhớt, xác heo chết dịch vứt đầy sông, nhà cao ốc xây với hồ vữa thiếu xi măng, sụp đổ bất cứ lúc nào, quan chức đua nhau hốt bạc bỏ túi và lo xa hơn nữa, ở thượng nguồn sông Cửu Long, con khủng long Trung Hoa chạy đua xây đập ngăn nước khiến một ngày nào đó 9 con rồng ôm ấp châu thổ Hậu giang có thể cạn khô. Hậu giang sẽ chết khát, nuớc biển dâng cao, nhiều khu vực trong đồng bằng cư]u long đẫ ngập mặn, ngoài biển bọn Tầu khựa khống chế biển cả, đâm chìm tầu cá của ngư dân Việt, đội Hoàng sa không thể chống lại hạm đội Nam Hải.

Tôi lo vì “răng con bò vẫn ngày một trắng hơn.” Nay lại thêm cái lưỡi bò. Ở phía Bắc các chú con trời liên tục lấn đất chiếm biển. Tôi định về thăm thác Bản Giốc , mà không kịp và ở Trường Sa không biết có ai đang tiếp tục “hi sinh xương máu báo đền ơn nước” sau vụ thảm sát Gạc Ma và lo xa hơn nữa là ngay cả cái Thái Bình Dương cũng không còn thân thiện sống thái bình với chúng ta nữa. Biết đâu chúng ta đang chờ đón một trận chiến mới lại thêm vài triệu con dân Lạc Hồng “báo đền ơn nước.”

Báo cáo mới nhất của Liên Hiệp Quốc cho biết Việt Nam là quốc gia có triển vọng nhất trên thế giới trở thành nạn nhân của biển cả nếu mực nước biển tiếp tục dâng cao như mức độ hiện nay. Các chuyên viên cho rằng nếu mực nước biển lên cao hơn khoảng 1 thước thì Việt Nam sẽ bị thiệt hại mỗi năm khoảng 17 tỷ mỹ kim, 1/5 dân chúng Việt Nam sẽ mất nhà (ước tính trong vòng  20 năm nữa không phải là 80 triệu con người mà sẽ là 150 triệu con Rồng cháu Tiên và nếu nếu dự đoán này thành sự thật mà không lo tìm biện pháp sớm ngăn chặn thì sẽ có 30 triệu người Việt không nhà. Ước tính tới 2030 nước biển lên cao 5.9 inches , cao ước tới cuối thế kỷ biện có thể dâng  lên cao 2 thước. Cuối thế kỷ tức là 80 năm nữa. Nghe thì dài nhưng 1975 tới nay đã trên 50 năm.

Những con số kinh hoàng của chuyện bò trắng răng không không dừng lại ở đây, 12.2% vùng đất canh tác mầu mỡ nhất của Việt Nam sẽ chìm dưới biển, 40.000 cây số vuông vùng đồng bằng và 17 ngàn cây số vuông vùng đất suốt dọc duyên hải Việt Nam và châu thổ Cửu Long Giang sẽ chịu những trận lụt lớn chưa từng thấy, vượt xa những cơn lụt “trời hành mỗi năm” ở miền Trung và có thể cái eo Đồng Hới  sẽ chìm xuống biển cắt đôi vĩnh viển đất nước.

Một số triệu chứng đã bắt đầu phát hiện, thuỷ triều lên cao hơn, nước sông Huơng thơ mộng đã lợ mặn sâu hơn vào đất liền, nhiều khu vực trong vùng Tiền Giang như ngay ở Vĩnh Long, mùa nước lớn, người ta sống trong những căn nhà nổi trên những cù lao, giữa muỗi mòng, rắn rết. Tôi đã ngủ vài đêm trong một căn nhà như vậy, bên cạnh những ti vi, tủ lạnh và một cô em làm nghề massage ở Saigon.

Nước sẽ rút” người ta nói thế, hôm nay sống qua ngày cái đã và không ai lo chuyện bò trắng răng “băng tuyết vùng cực đang tan mau gấp hai lần vì địa cầu bị hâm nóng do ô nhiễm, dân cư trong những vùng đất thấp trên quả địa cầu sẽ chứng nghiệm trận đại hồng thủy của thế kỷ 21.

Vẫn chuyện bò trắng răng, đời người quá ngắn  hơi đâu lo chuyện trăm năm. Vậy mà trăm  năm, vài thế kỷ qua mau như chớp mắt. Hiện tại, Đà Nẵng thành phố phát triển tốt đẹp nhất Việt Nam đang được Liên Hiệp Quốc chọn làm thí điểm quan sát quốc tế về ảnh hưởng của việc thay đổi khí hậu và môi sinh thiên nhiên do ô nhiễm không khí và hâm nóng toàn cầu.

Tôi không giám than thở với ông bạn bác sỹ nữa vì sợ lại bị mắng là cứ lo chuyện bò trắng răng. Nhà ông ấy ở một vùng sang trọng nhất của quận Cam, an toàn và hạnh phúc. Nhà tôi đang ở cũng cách miền Trung quê nghèo cả một đại đương, hơi đâu mà lo ra rằng giải đất hẹp nhất Việt Nam, vùng Đồng Hới chỉ rộng khoảng 50 cây số, nếu nước biển dâng cao 1 thước, không biết Việt Nam có bị cắt vĩnh viễn làm hai hay không?.

3

Vẫn chưa thấy được “một viên ngọc sáng ngời long lanh dưới trời Đông Á” như lời giải thích của người lớn khi tôi lên 8 tuổi, nhưng với cái giá của hai cuộc chiến liên tục, trên 3 triệu người Viêt đã “tan tành với núi sông”, 2 triệu người chết thảm trong trận đói năm Ất Dậu, và một di sản thù hận cất cao như dãy Trường Sơn hay ngọn Hoàng Liên Sơn trong trại cải tạo Cổng Trời, đâu đó, tôi đã bắt đầu thấy loé lên cái ánh long lanh của viên minh châu, dù còn bị che khuất của quá nhiều rác bẩn từ quá khứ tồn đọng và những u mê ám chướng của hiện tại.
Có những tin vui bên canh những tin buồn nhưng rõ ràng, trước mắt tôi, viên Minh châu Trời Đông đã bắt đầu loé sáng, dù còn đòi hỏi rất nhiều công khai phá trước khi thành viên ngọc quý.

Giám đốc trương trình UNICERF mới tháng 8-2007 cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia gần đạt được chỉ tiêu phát triển thế kỷ (Millennium Development Goal MGD) và trong một vài lãnh vực đã vượt chỉ tiêu ấn định của năm 2015 thí dụ trong nổ lực “xoá đói giảm nghèo” còn gọi là MGD1. Kế đó là MGD 2 là phổ thông giáo dục bậc tiểu học, MGD 3 là nam nữ bình quyền, MGD 7 Cải thiện môi sinh. Hi vọng là không làm láo báo cáo hay. Các mục tiêu khác được đề ra trong thiên niên kỷ này là MGD 4 giảm mức tử vong thiếu nhi, MGD 5 Cải thiện sức khoẻ tinh thần. MGD6 chống HIV/AIFSDS, sốt rét và bệnh tật, MGD 8 kiến tạo hợp tác phát triển toàn cầu đế cưu trợ, mậu dịch ...

Con số thống kê “đáng khích lệ !” nêu trên xem ra cũng giống như chiếc huy chương che đậy phía dưới một vết thương tàn phá còn rỉ mắu của 80 năm nô lệ, 30 năm liên tục chiến tranh vì trong thống kê mới nhất của Liên Hiệp Quốc, năm 2006 ở Việt Nam “chỉ còn” từ 10 tới 18% người được gọi là sống dưới mức nghèo khổ" (tức là có lợi tức dưới 1 mỹ kim một ngày.) 10% trên một  dân số 90 triệu tức là vẫn còn trên một triệu con người kiếm dưới mức 1 Mỹ kim một ngày và bao nhiêu triệu khác chỉ mới vượt qua mức nghèo khổ này, so với ở Mỹ mức lương tối thiểu năm 2021 là 15 dollar một giờ.

Nói khác đi một người Việt Nam hân hạnh vừa đạt mức vượt nghèo đói, làm việc một tuần chưa bằng người Mỹ làm 1 giờ mặc dù tôi đã thấy ở Saigon những chiếc SUV mới tinh, bóng láng, trên xe cô cô các cậu chưng rỡn, mở một loạt 4 chiếc DVD tân kỳ để khoe với đời hoặc những tiệm karaoke trong đó những chai rượu XO bạc trăm đổ ra như nước.

Người ta nói, xã hội nào mà chả như thế nhưng tôi vẫn mong có nhiều hơn người dân Việt ở quê nhà được đi xe hơi và uống rượu XO như công nhân Mỹ thay vì sống sót với giá 1 Mỹ kim một ngày.

Vẫn còn quá nhiều tì vết nhơ bẩn bám vào viên Minh Châu Trời Đông của tôi thí dụ như chuyện cải thiện môi sinh cũng được Liên Hiệp Quốc khen là đã đạt chỉ tiêu  GDM 7 nhưng cứ nhìn người dân Sài Gòn hay ở những đô thị lớn, ra đường phải bịt mặt nạ từ đầu tới chân như hiệp khách ninja, hoặc việc xử dụng chất hoá học bừa bãi và vô trách nhiệm với thực phẩm, phân bón thì sẽ thấy chúng ta còn bị bao vây bởi quá nhiều kẻ thù. Những kẻ thù chính yếu và nguy hiểm nhất, không phải là những lỗi lầm trong quá khứ mà chính là sự ngu dốt và sự mất tin tưởng ở tương lai của quảng đại quần chúng.

Kể về những thế lực thù nghịch  hiện tại của Việt Nam thì nhiều vô kể nhưng cũng không thể chối cãi đã có những tiến bộ từ 15 năm qua kể từ ngày ”đổi mới.” Với mức phát triển 8.2%!!, Việt Nam hiện đứng hàng thứ nhì trên thế giới về mức phát triển đã gần đạt bằng Trung Hoa.

Lại thống kê nhưng người ta không đào sâu và dưới con số này và đặt câu hỏi phất triển như thế nào. Phát triển với hàng vạn công nhân phải xuất cảng lao động thay vì đóng góp trong guồng máy kỹ nghệ bản xứ. Phát triển với một nền kinh tế toàn gia công. Tuy nhiên, cũng phải hiểu là cái mức phát triển 8.2% của một anh tỷ phú đỏ khác với mức phát triển của một anh ăn mày đang đói ăn nay có được một mẩu bánh mì.

Vì thế, thực tại ở Việt Nam hiện nay, tất nhiên còn quá nhiều chuyện cần làm, từ phát triển kinh tế, phân phối lợi tức đồng đều trong quảng đại quần chúng, ổn định chính trị, cải tiến nhân quyền, tự do, chống tham nhũng và nếu muốn ngứa mồm bắt lỗi thì còn quá nhiều chuyện để bắt lỗi.

Vấn đề đặt ra cho mọi con người còn là người Việt, dù là ông Nguyễn Minh Triết, ông Nguyễn Tấn Dũng, hay đồng chí X, hay những ông trung ương uỷ viên của đảng Cộng Sản đầy một đầu giáo điều và còn bực tức vì chưa đến phiên mình nắm uy quyền để hưởng, hay ở dịện đối nghich là bọn bịt mắt chống Cộng ở hải ngoại là: “Làm thế nào để xây được một Việt Nam vinh quang sáng trưng bên Thái Bình Dương.

Câu trả lời đích đáng nhất là xin hãy chấm dứt mọi trò nhân danh, nhân danh yêu nước, nhân danh anh hùng, liệt sỹ, nhân chống Cộng, nhân danh tiến lên xã hội chủ nghĩa như lời tuyên bố của ông Nguyễn Minh Triết,  để chỉ xài một nhân danh mà thôi, đó là: Nhân danh một Việt Nam Minh Châu Trời Đông.

Muốn có tư cách xài được nhân danh này, muốn nắm lấy được vận hội mới đang chờ đợi đất nước ở tương lai đòi hỏi phải có một tâm hồn trong sáng, không mưu cầu, không thù hận, cả lòng can đảm và trí tuệ nữa.

4

Ông Phạm Duy ơi, trong lúc ở Việt Nam nhạc của ông xưng tụng một tổ quốc “Việt Nam, Việt Nam muôn đời” vẫn không được tự do hát, ông thiếu tướng Kỳ thì bị mỉa mai gọi là tên giặc lái thứ dữ đã thả biệt kích ra Bắc sát hại đồng bào, thì ở đây, tại Cali, họ chửi bới ông Kỳ với đủ ngôn từ mất đậy, vu vạ là ông bưng bô cho Cộng Sản, là đầu hàng. Còn thằng tôi ... cũng được dựa hơi một chút để nghe những lời lăng mạ miễn phí này.

Bắt chước Phùng Quán xin vịn vào lời nhạc của ông để có chút vững tin ở ngày mai :

Cuộc đời rồi phai tàn theo thế giới
Chỉ còn tình yêu của mẹ mà thôi.
Ôi mẹ Việt Nam ơi !!!

Latest