Skip to content

"Phở Quốc Hận"

Bát phở Hànôi của Nguyễn Tuân mà tôi từng được ăn thời thơ ấu là bát phở biểu tượng tuyệt vời của một vùng đất nghèo. Phở phải đựng trong “bát chiết yêu” là một loại bát đặc thù của miền Bắc nhằm đánh lừa cảm giác của con người.

Giây phút chiếm được hầm chỉ huy của tướng De Castrie ở Điện Biên Phủ, 1954

Đông Duy Hoàng Kiếm Nam (trích "Tôi làm báo")

Việt Tấn Xã, báo nhà nước, tuy không bó buộc nhưng hàng năm phóng viên thường được nhắc nhở viết một cái gì đó về ngày 20-7-1954 mà miền Nam gọi là ngày Quốc hận.

Những bài viết nhân dịp quốc hận thường mở đầu một cách quy ước và nhàm chán như nói : “ngày quốc hận 20-7 là ngày đánh giấu việc Thực dân và Cộng sản cấu kết chia đôi đất nước”  (ý nói hiệp định Geneve).

Sự kiện này đúng vì hiệp định này được ký kết giữa Việt Minh và người Pháp, đại diện chính phủ quốc gia từ chối ký kết.

Nói khơi khơi vậy thôi thì không sai nhưng không đầy đủ. Một biến cố lịch sử quá trọng đại.

Bài viết mở đầu hung hãn như vậy với hi vọng sẽ chứng minh rằng “quốc hận” là một định mạng vượt khỏi tầm kiểm soát của mọi phe phái ở Việt Nam.

Vậy thì mối hận của đất nước (Quốc hận) nằm ở đâu?. Tôi cho rằng chỉ cần ghi lại trung thực những diễn biến lịch sử từ khởi sự trận Điện Biên Phủ sẽ cho người ta thấy đích xác lai lịch của mối hận...

Cuối năm 1949 Mao toàn thắng ở Lục Địa, viện trợ quân sự cũng như áp lực mạnh hơn với Việt Minh.  Chiến tranh Triều Tiên tạm chấm dứt tháng 7-1953 nhưng lại mở đầu cho một trận chiến mới gọi là “Chiến Tranh Lạnh” trong đó phía tư bản do Hoa Kỳ lãnh đạo đối nghịch với khối Cộng Sản do Nga Xô lãnh đạo.

Việt Nam cũng như Triều Tiên không may rơi vào gọng kìm của hai thế lực quốc tế này.

Trong gọng kìm định mạng này, ở Đông Dương,  từ cuối năm 1950 nhờ viện trợ của Hoa Kỳ, Pháp tung ra nhiều đợt phản công càn quét khiến lực lượng Việt Minh bị thiệt hại nặng nề nhưng cũng rõ ràng là không thể tiêu diệt tận gốc, vì thế, người Pháp muốn dàn dựng một trận chiến quy ước, toàn diện nhằm thu hút toàn bộ chủ lực của Việt Minh vào một chiến trường do họ chọn lựa rồi dùng toàn bộ uy lực của không quân Mỹ- Pháp tiêu diệt một lần trọn ổ.

Quan niệm chiến thuật này gợi ý từ một phương pháp trị liệu của y khoa nhằm tạo một “khu vực sưng tấy” trên cơ thể người bệnh, tạm gọi là tạo một “nhọt bọc trị liệu”. Thuật ngữ Y khoa gọi là tạo một “abcès de fixation”

Trị liệu pháp này bắt nguồn từ sự thành công trong việc chủng ngừa bệnh đâu mùa, bệnh lao bằng cách tiêm vi trùng đã chết vào cơ thể để tạo nên một vết sưng nhân tạo ngoài da, hi vọng sức đề kháng tự nhiên của cơ thể sẽ gia tăng sản xuất  kháng thể.  Bệnh nội thương nhờ đó sẽ được điều trị từ bên ngoài.

Trong thực tế, một  “abcès de fixation” được tạo nên bằng cách tiêm tinh dầu thérebantine (dầu xoa bóp ngựa đua) vào dưới da trong trường hợp một cơ thể bị nhiễm trùng toàn diện. Nhọt bọc nhân tạo này sẽ sưng tấy lên, hi vọng  sẽ giúp cơ thể tạo nên nhiều kháng thể để trị căn bệnh nội thương.

Cơ thể Việt Nam trong giai đoạn năm 1953 quả là đang bị nhiễm trùng toàn diện với căn bệnh Việt Minh, từ Cà Mâu đến Bắc Việt không nơi nào không có du kích Việt Minh.

Liên tiếp nhiều tướng lãnh cao cấp của Pháp có kinh nghiệm du kích và phản du kích trong thời kháng chiến chống Đức như Leclerc, Jan Valluy, Blaizot, De Lattre, Salan được gửi tới Đông Dương nhưng đều thất bại trong nỗ lực bình định. Đánh chỗ này Việt minh phì ra chỗ khác ngay cả họ đã chiếm thế thượng phong tại Lào.

Tháng năm năm 1953 tướng Pháp Navare được  gửi sang Đông Dương không phải với hi vọng đạt một chiến thắng mà làm sao để rút lui trong danh dự vì cho đến lúc tướng De Lattre rời khỏi Việt Nam thì lực lượng Pháp vẫn ở trong tư thế thủng chỗ nào vá chỗ đó, không có một chiến lược dài hạn.

Hội nghị quốc tế Geneve để giải quyết chiến tranh Đông Dương cũng đã bắt đầu. Chiến lược dài hạn của Navare đưa ra là phải nhử toàn bộ chủ lực Việt Minh vào một trận chiến lớn để phân định rõ một thắng một thua. Chiến trường Điện Biên Phủ được chuẩn bị trong cung cách một nhọt bọc định vị “abcès de fixation” nói trên.

Phía Việt Minh chấp nhận thách đố này và chịu trả gía cao vì hội nghị Geneve đã bắt đầu. Họ cho rằng có thể dùng chiến thắng quân sự để vừa đánh vừa đàm, để mặc cả vì nói đúng ra thực trạng Việt Minh sau gần 10 năm “trường kỳ kháng chiến”  cũng rất mệt mỏi.

Chính Hồ Chí Minh từng nói với tướng Giáp là trận này nhất định phải thắng vì nếu thua là hết láng ”.

Theo Krutchev, trước đó không lâu, trong một đại hội của Cộng Sản Trung Hoa ông Hồ cho biết là lực lượng Việt Minh có thể bị tràn ngập (over run) sau nhiều cuộc phản công liên tục của người Pháp trong những chiến khu tương đối an toàn của Việt Minh trong vùng Việt Bắc.

Trong trường hợp bị tràn ngập, Việt Minh yêu cầu được di tản chiến thuật sang Trung Quốc và Hồng quân can thiệp. Lời yêu cầu này bị Mao Từ chối thẳnh thừng khiến Việt Minh rất lo lắng.

Để dứt điểm, dự trù của kế hoạch “nhọt bọc trị  liệu” khi chủ lực Việt Minh tập trung quanh lòng chảo Điện Biên, Hoa kỳ sẽ dùng toàn bộ uy lực không quân của mình để nghiền nát Việt Minh.

Tuy nhiên Mỹ chỉ nhập cuộc với điều kiện “Pháp phải cho “Việt Nam hoàn toàn độc lập”.

Ngay trong những ngày đầu của trận Điện Biên,  Tham mưu trưởng quân đội Pháp là tướng Paul Ely bay sang Mỹ hội đàm với ngoại trưởng Hoa Kỳ Foster Dulles về kế hoạch “ abcès de fixation” trong đó dự trù sẽ sử dụng khoảng 100 pháo đài bay B29 từ căn cứ Okinawa và Phi Luật Tân, được yểm trợ bởi 150 chiến đấu cơ từ hạm đội 7 để oanh kích và thả 1400 tấn bom trên các vị trí của Việt Minh.

Cuộc oanh kích tàn bạo này còn dự trù sẽ sử dụng ba trái bom nguyên tử cỡ nhỏ (Lực lượng nguyên tử chiến thuật) thả quanh sườn núi phía Việt Minh.

Nỗ lực này được mô tả là một surgical operation, một cuộc hành quân “giải phẫu”của Mỹ

Phía người Pháp không hoàn toàn chấp nhận đòi hỏi của Mỹ vì muốn giữ lại thuộc địa Nam Kỳ,  cái vương niệm mỹ miều mang niềm hãnh diện của đế quốc Pháp. Hơn nữa người Pháp còn muốn chơi nước đôi, nếu toàn thắng thì chỉ chấp nhận cho một Việt Nam độc lập trong Liên Hiệp Pháp”  tức là một thứ độc lập giả hiệu, chừng mực kiểu như Liên Hiệp Anh (English Common wealth)

Hoa Kỳ không đồng ý nên back out, huỷ bỏ kế hoặch nhọt bọc, chỉ tham dự chiếu lệ trong cuộc hành quân Vulture của không quân, ngay cả những phi cơ C19 của Mỹ, do phi công dân sự của Air America lái nhưng buộc  phải sơn cờ Pháp. Lúc đó người ta nói rằng chỉ cần có một phi cơ sơn cờ Mỹ bay trên trời Điện Biên Phủ là Việt Minh sẽ rút lui và chấp nhận mọi điều kiện(Mỹ không muốn Việt Minh thắng nhưng cũng không muốn Pháp toàn thắng để tiếp tục đô hộ Việt Nam)

Việc can thiệp nhỏ giọt của Mỹ đưa tới thảm bại.

Ngày 7-5 tướng De Castry chỉ huy Điện Biên Phủ điện về bộ tổng tham mưu ”

Quân Việt tràn ngập. Đã nhìn thấy phút tàn canh của trận chiến nhưng chúng tôi sẽ chiến đấu tới cùng”.

Tướng Cogny trả lời

Tất nhiên không thể có chuyện mang cờ trắng ra đầu hàng sau khi quý vị đã chiến đấu anh dũng ...Thiếu Tướng phải tự tử

Đêm hôm đó tất cả các vị trí trung ương của Pháp đều bị hạ. Người phụ trách vô tuyến cố nói lời cuối cùng “chúng tôi bị tràn ngập...nước Pháp muôn năm

Điện Biên Phủ thất thủ ngày 8-5-1954 với cờ trắng và 12,000 tù binh lúc Việt Minh bước vào bàn hội nghị.

Chiến thắng với cái giá quá mắc, Việt Minh cũng kiệt quệ. Ngày 10-5, hai  ngày trước khi Điện Biên đầu hàng  Phạm văn Đồng chỉ đề nghị ngưng bắn tại chỗ nhưng đến ngày 25-5 lập trường của Việt Minh thay đổi hẳn, đòi một cuộc “chia cắt thành khu vực hai giới tuyến tạm thời”.

Đại diện chính phủ quốc gia luật sư Trần Văn Đỗ phản đối kịch liệt việc chia cắt “dù tạm thời” vì trước khi phe quốc gia bằng lòng tham dự hội nghị,  hoàng đế Bảo Đại đã được thủ tướng Pháp Bidault viết thơ cam kết là “mọi thoả thuận sẽ không có việc chia cắt lãnh thổ”

Chính phủ quốc gia sẽ chỉ tham gia hội nghị này với điều kiện ngưng bắn tại chỗ,  không ấn định giới tuyến, ngưng chiến da beo như đề nghị lúc đầu của Pháp.

Đây chỉ là ngoại diện vì cả hai phía Việt Minh lẫn Chính Phủ Quốc Gia thật ra chỉ là một con cờ trên bàn cờ chiến tranh lạnh giữa khối Cộng sản và phe Tư bản.

Hai phe này tranh giành, chia sẻ quyền lợi trong đó biên giới và sự toàn vẹn lãnh thổ mang tính linh thiêng của các dân tộc chẳng có nghĩa lý gì. Đông Âu, Ba Lan, nước Đức, bị xé vụn ra từng mảnh, Triều tiên đã chia đôi...nhiều quốc gia mới thành hình sau đệ nhị thế chiến.

Thật ra ngay từ ngày 28-6, trước khi ngã ngũ các cuộc bàn thảo, Anh và Mỹ đã họp bàn và đưa ra một thông cáo chung nói khá rõ ý định:

Sẽ duy trì một (thực thể) Nam Việt Nam không Cộng Sản (tránh không nói rõ là một quốc gia) và cũng giữ lại một số khu vực ở châu thổ sông Hồng.

Để nhấn mạnh cho quyết định này, người Mỹ đồng thời cũng hé lộ là tổng thống Eisenhower sẽ xin quốc hội cho phép can thiệp quân sự trực tiếp vào Đông Dương.

Với tiết lộ này, phía Cộng Sản phải tự hiểu đây là một tối hậu thư vì nếu không thoả hiệp sẽ tái diễn một Triều Tiên và trong trận chiến này Trung Cộng đã thiệt một triệu quân nên đã ê càng.

Rất may là ở Triều Tiên, người Mỹ (chủ yếu chỉ lo giàn trận cho bàn cờ chiến tranh lạnh) nên đã không thừa thắng vượt sông Ấp Lục là biên giới Triều Tiên với Trung Hoa để đánh thẳng vào lục địa như dự tính của Mac Arthur.

Đại diện Việt Minh Tạ Quang Bửu lúc đầu rất găng đòi giới tuyến tạm sẽ từ vĩ tuyến 13 trở ra Bắc (ngang Hồ Tonlsap khúc giữa Tuy Hoà và Nha Trang).

Đòi hỏi này quá đáng nên Chu Ân Lai gặp Hồ chí Minh và đe doạ là “Sẽ có sự can thiệp của Hoa Kỳ nếu Việt Minh đòi đạt một chiến thắng toàn diện và nếu đòi hỏi quá đáng ở hội nghị thì chuyện Mỹ nhẩy vào sẽ xẩy ra ”.

Dưới áp lực của Trung Cộng, tổng bí thư Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp và Hồ chí Minh đều phải chấp nhận...

Khẩu hiệu “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi” được đổi thành: “Hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ”.

Hôi đàm kéo dài tới ngày 20 tháng 7 (ngày quốc hận) thì kết thúc với việc chấp nhận vĩ tuyến 17 là đường phân chia “hưu chiến tạm thời”. Một cuộc tổng tuyển cử để thống nhất hai miền sẽ được tổ chức vào tháng 7 năm 1956 .

Thoả thuận này không là một hiệp ước mà chỉ là một “thoả thuận tạm thời” chấm dứt hành động thù nghịch tại Việt Nam. Sau đó thì dưới sự phù phép của Hoa Kỳ một nước Việt Nam Cộng Hoà được thành lập sau khi Pháp tuyên bố Việt Nam độc lập

Việc chọn vĩ tuyến 17 cũng có thể không phải là một chọn lựa tình cờ nếu nhớ lại là trước khi đệ nhị thế chiến chấm dứt, tại hội nghị Postdam tháng 7 năm 1945 về việc giải giới quân đội Nhật tại Đông Dương, Tam Cường Anh Mỹ Nga đã quyết định quân Anh sẽ giải giới từ vĩ tuyến 16 trở vào Nam trong lúc quân của Tưởng từ biên giới phía Bắc tiến vào Nam

Ấn định việc giải giới quân Nhật, về hình thức cũng tương tự như tinh thần trên văn bản của hiệp định Geneve 1954 tức là “không phải là một sự chia cắt lãnh thổ vĩnh viễn mà chỉ là  ấn định một chiến tuyến quân sự tạm thời trong cuộc hành quân giải giới quân đội Nhật bởi hai quân đội”.

Sở dĩ phải chia đôi công tác giải giới như nói trên vì trong chiến tranh, ở Á Châu có sự thành lập hai khu chiến là Khu Chiến Trung Hoa ở phía Bắc và khu chiến của người Anh ở phía Nam.

Giai đoạn đầu vì không phân định rõ biên giới vùng lãnh thổ trách nhiệm nên người Anh và người Tàu va chạm hoài. Người Tầu phản đối việc Anh Pháp hoạt động tại Đông Dương vì cho rằng khu vực này nằm trong thẩm quyền của mình. Tranh giành đưa tới một thoả hiệp ngầm (bất thành văn) về lằn ranh vô hình vĩ tuyến 17

Người Anh vì muốn bảo vệ những thuộc địa ở phía Nam Thái Bình Dương nên khi tiến hành tiếp thu phía Nam Việt Nam  kéo theo cái đuôi là thực dân Pháp .

Ở phía Bắc người Tầu cũng muốn đưa đẩy một chính phủ vệ tinh do Quốc Dân Đảng Viêt Nam lãnh đạo nhưng không thực hiện được vì tháng 8 năm 1945 Việt Minh đã nhanh tay cướp chính quyền trong lúc ở miền Nam người Pháp cũng loay hoay tìm cách dựng một chính phủ tay chân với lá bài Bảo Đại.

Người Pháp muốn tái lập lại quyết định của Postdam vì họ chỉ quan tâm tới thuộc địa Nam Kỳ mà thôi....

Tôi đã viết một bài dài như vậy để  minh xác rằng  “Đất nước bị chia cắt hiển nhiên là một mối hận” nhưng chẳng qua đây là định mệnh không may chung của dân tộc, cả hai phía Nam Bắc nếu không nhìn thẳng vào căn nguyên của “mối hận” thì mối hận sẽ càng thảm thương hơn.

Tôi cố nhấn mạnh rằng từ hội nghị Postdam với việc chia vùng giải giới quân đội Nhật ở vĩ tuyến 16 cho đến việc ấn định vùng hưu chiến tạm thời của thoả thuận Geneve năm 1954 (Geneve accord)  mọi quy định chỉ là một thoả thuận (accord) có giá trị tạm thời trong đó vai trò của phe quốc gia cũng như Việt Minh chỉ là những con múa rối vô thẩm quyền hoàn toàn bất lực, thụ động.

Việt Minh muốn ấn định giới tuyến hưu chiến, chính phủ quốc gia phản đối không ký kết thực ra chỉ là việc hợp thức hoá sự chia chác vùng ảnh hưởng được thoả thuận giữa đế quốc Đỏ và đế quốc Thực dân, một phía là Nga Tầu phía còn lại là Mỹ Pháp Anh.

Một bài viết với quan điểm như thế, dù được viện dẫn những chi tiết lịch sử ít được quần chúng biết tới về thoả hiệp Geneve (nên thường gọi nhầm là hiệp định) và dù cách viết luồn lách cách mấy cũng khó mà qua thoát được trên bản tin Việt Tấn Xã, cơ quan phát ngôn chính thức của nhà nước.

Điều quan trọng là cần giải thích điều mà báo chí thường nói tới, mọi người đều biết, vẫn được miền Nam ca ngợi như một thành tích đó là việc miền Nam không ký vào thoả ước và sau đó đã từ chối không thi hành tổng tuyển cử khiến việc chia cắt thành vĩnh viễn cũng như không giải thích được sự thành lập một quốc gia Việt Nam Cộng Hoà nằm ngoài dự liệu thoả ước Geneve.

Để giải toả vấn nạn này và chứng tỏ miền Nam có chính nghĩa khi từ chối không ký, tôi đã phải tỷ mỷ viện dẫn những sai lầm của chủ nghĩa và chế độ Cộng Sản khi  nhìn vào thực tại ở Liên bang Xô Viết, ở Đông Âu, Trung Cộng Bắc Hàn, Cuba.

Nhìn vào thực tại tàn bạo “không thể chối cãi được” đang diễn ra sau bức màn sắt, với những trại tù khổ sai Gulag ở Nga Xô thời Stalinist, đời sống khốn cùng, nghèo đói, thiếu tự do của những quốc gia theo Cộng Sản Đông Âu, Đông Đức, Cuba,  Bắc Hàn thì miền Nam có đầy đủ chính nghĩa và lý do để phải chống Cộng.

Miền Nam cũng không thể chấp nhận một cuộc tổng tuyển cử khi mà cũng “không thể chối cãi” miền Bắc trong giai đoạn từ sau Geneve hoàn toàn không có tự do.

Trong cương vị miền Nam, tôi nghĩ đây mới là điểm then chót cần nhấn mạnh để giải thích tại sao miền Nam từ chối tổng tuyển cử và cũng là lý do hoặc chính nghĩa của việc thành hình một quốc gia Việt Nam Cộng Hoà như một chiến tuyến chống Cộng.

Một sự giải thích minh bạch dựa vào những dữ kiện và thực tại lịch sử sẽ hiệu qủa hơn trong việc làm sáng tỏ điều mà người ta vẫn nói về “chính nghĩa” của Việt Nam Cộng Hoà thay vì cứ bám víu vu vơ vào việc kết tội Việt Minh cấu kết với thực dân chia đôi đất nước. Đó là ý định đầu tiên của tôi khi viết về ngày quốc hận

Đọc tới đọc lui bài viết, tuy vô cùng khoái chí kiểu như Trần tế Xương “viết vào giấy dán ngay lên cột” nhưng cuối cùng tôi đành quyết định bỏ vào sọt rác vì biết chắc chắn viết theo kiểu này sẽ không thoát mà cho dù có thoát cũng sẽ tạo nhiều hiểu lầm chụp mũ nguy hiểm.

Không thể lội ngược dòng một cách quá đáng, tôi đành vứt bài thứ nhất vào sọt rác để viết một bài thứ hai, chuyển đề tài quốc hận theo một chiều hướng khác, nhẹ nhàng và xây dựng hơn với đề tựa “Phở Quốc Hận”.

Vẫn tấm tức vì chuyện phải “tự ý đục bỏ ” bài viết của mình nên tôi mở đầu bài viết mới bằng một cái “lead” rất “khủng” :

Người ta vẫn gọi ngày hai mươi tháng bảy là ngày “Quốc hận” vì đó là ngày ký kết thoả ước Geneve đưa tới việc chia đôi đất nước nhưng riêng tôi vẫn cho rằng đây là “một ngày vinh quang chưa từng thấy của dân tộc Việt Nam”...

Sau câu mở ngang ngược này tôi phải chữa ngay:

Vì đó là ngày đánh dấu một sự hoà đồng chưa từng thấy trong lịch sử  đất nước này.!!!”.

Tôi biện minh tiếp

Cuộc di cư mang vào miền Nam đồng loạt một triệu người Bắc mau chóng xoá đi những vết tích chia rẽ cuối cùng mà bọn thực dân đã mất công xây dựng  trong suốt tám mươi năm để o bế và tìm cách đồng hoá thuộc địa Nam Kỳ thành một lãnh thổ hải ngoại của đế quốc.

Nhớ lại, khi mới di cư mấy bà Bắc Kỳ õng ẹo chê miền Nam đủ thứ, chanh miền Nam không thơm bằng chanh miền Bắc, kiểu như nói trăng Trung quốc tròn hơn trăng nước Mỹ, gạo Nàng Hương không thơm, thua xa gạo Tám thơm, thịt heo miền Nam ăn nó cứ làm sao ấy...!!!

Sự thực thì miền Nam mọi thứ đều ngon và tràn đầy.

Còn người Nam Bộ thì giễu là “Bắc Kỳ ăn cá rô cây ông trời quả báo hàm răng đen thùi ”.

Những ngày đầu còn có tin đồn ác độc được loan ra là “Bắc kỳ răng đen ăn thịt con nít” làm mọi người nhốn nháo một dạo. Đi học mà không nói được “Tâng sơn Nhức” là bị bạn hát giễu là anh “rau muốn”. Tôi con nhớ bài hát nhạo:

“Má ơi má...con nhỏ nó bịnh chi...lỗ đít có cọng rau...đúng rồi...đúng rồi..nó là Bắc kỳ...Bắc Kỳ”

Vậy mà món Phở di cư mang vào phổ biến nhanh chóng nhưng người ta vẫn gọi là Phở Bắc vì trong Nam chỉ có Hủ tíu của Ba Tàu.

Sự khác biệt Bắc Nam tuy không tới mức thù hận kiểu như dân Sunny và Shia ở Iraq, cùng mẹ đẻ ra trên cùng đất nước mà hở ra là chém giết nhau. Với tám mươi năm đô hộ, người Pháp cho Nam Bộ được hưởng một quy chế thuộc địa tự do rộng rãi, tuy không là quốc tịch Pháp nhưng dân Nam Bộ là những “sujet Francais” (những thành tố Pháp) đã tạo nên một khác biệt rõ rệt giữa ba miền đất nước .

Trong quy chế  thuộc địa Nam Kỳ, từ luật pháp đến giáo dục cởi mở hơn. Tuy nhiên để khai thác và thống trị thuộc địa kiến hiệu hơn, người Pháp sử dụng người Tầu trong một chế độ đầu nậu kinh tế của những bang hội.

Ngoài chế độ Bang hội, chính quyền thuộc địa còn dành cho người Hoa độc quyền buôn bán ba nhu yếu phẩm quan trọng nhất là gạo, muối, rượu. thuốc phiện, cờ bạc, bất động sản kể cả ruộng canh tác cũng được giành độc quyền cho người Tàu và tay chân

Ba Tàu tung hoành tạo thành những đại điền chủ, những ông hội đồng, đại gia địa ốc như một anh Tàu lượm ve chai Hui Bon Hoả làm chủ vài chục tiệm cầm đồ bình dân. (Đất của Chú Hoả bao trùm trung tâm Saigon ngày xưa)

Miền Nam mầu mỡ, đất rộng người thưa nên tâm hồn con người cũng hiền dịu phóng khoáng, tuy nhiên, vì không phải cạnh tranh kịch liệt để sống còn nên cũng không phấn đấu được với màng lưới kinh tài quốc tế của những người Tàu được hưởng biệt đãi đặc quyền của người Pháp.

Cho đến trước cuộc di cư 1954 Saigon của người Việt thu nhỏ lại quanh khu phố Tây, khu Dakao, Tân Định nhưng từ Chợ Bến Thành ngược vào Chợ lớn, Bình Đông, Bình Tây hoàn toàn do Ba tàu thao túng.

Từ năm 1954 với một triệu người Bắc di cư, biên giới Chợ Lớn bị đẩy lùi tới đường Khổng Tử, Chợ Bình Đông, Bình Tây. Ảnh hưởng, uy thế kinh tế của người Tàu vẫn chưa dẹp được hoàn toàn dù ông Diệm cấm người Tàu hành mười một nghề. Sau này dù ông Kỳ bắn Tạ Vinh nhưng cũng không thể chối cãi là khởi đi từ cuộc di cư năm 1954,  cái sắc thái Việt đã ngày một rõ hơn, lấn át một triệu rưởi người Tàu trong năm bang hội vùng Saigon Chợ lớn.

Cái sắc thái Việt Nam này dần thể hiện trong mọi ngõ ngách của cuộc sống thường nhật, ngay cả bắt đầu đồng hoá những người Hoa sống trên đất Việt, tương tự như  việc Việt hoá những người Hoa sống ở Bắc Việt để tạo thành một thi sĩ Hồ Dzếnh với bài thơ “chiều” bất hủ.

Hiệu ứng của ngày “quốc hận” không chỉ về kinh tế mà là một thay đổi toàn diện trong phong thái sống của miền Nam.

Những thiếu nữ miền Nam trước kia thoải mái với chiếc áo bà ba khi ra phố, say sưa với 6 câu vọng cổ buồn rã rời mang âm hưởng Trung Hoa của ông Sáu Lầu nay đã bắt đầu chuộng chiếc áo dài hay nghe nhạc Phạm Duy.

Ngàn Trùng Xa Cách người đã đi rồi” cũng là chia ly đó nhưng thay thế dần cho bản Dạ Cổ Hoài Lang, “Tình Phu tướng” rất Tàu.

Mặt khác những kiều nữ Bắc Hà bớt kiểu cách, khách sáo, bớt mầu mè riêu cua để trở thành chân thật, đầm ấm, nhiệt tình nhờ đó chuyện ái tình nó cũng rực rỡ hơn, để thành nhiều áng văn chương của Nguyễn Đình Toàn, Viên Linh.

Cuộc di cư mang vào miền Nam thứ văn chương bóng bẩy, cung đình của Mai Thảo, Nguyễn Tuân, Vũ Khắc Khoan, Thanh Tâm Tuyền, Doãn quốc Sỹ để hoà với nền văn chương bình dị đồng quê miền Nam của Hồ Biểu Chánh với Cha Con nghĩa nặng, Ngọn cỏ gió đùa, rồi biến thành Nguyệt Đồng Soài, Chú Tư cầu của Lê Xuyên hoặc giọng Nam hơi Bắc trong thơ Tô Thuỳ Yên,

Phong tục, lối sống, tập quán và cả ngôn ngữ cũng phong phú hơn. Trước kia nói  “yêu em tha thiết” thì nay có thể nói như câu ca dao miền Nam “Thương em đứt ruột giả đò ngó lơ”.

Bạn hay Bồ Tèo, thì cũng vậy. Mời bác xơi cơm “chảnh” theo điệu Bắc Kỳ biến thành “ăn không mày. dô dô” thì vẫn hiểu nhau, vẫn xà vào bàn nhậu “tới bến”. Hát tân nhạc thì phải giọng Bắc, ngâm thơ giọng Trung nhưng phim ảnh và kịch thì nhất thiết giọng Nam ăn đứt.

Thoại kịch Lá sầu riêng với Kim Cương, Vân Hùng vẫy vẫy cái mùi xoa là nước mắt chan hoà, nếu để giọng Bắc của Thúy Liễu và Lữ liên thì nó “kịch cỡm ơi là kịch cỡm” !!!

Mấy bà người Bắc lúc đầu chê ỏng chê eo món ăn miền Nam nào là cái gì cũng bỏ đường bỏ nước dừa vào ăn nửa mặn nửa ngọt chẳng ra cái thể thống gì cả nhưng rồi không bao lâu nước nắm pha chanh đường ớt tỏi của miền Nam toàn thắng trong mọi món chấm của người Việt. Cá kho tộ, bánh xèo ăn đứt bánh đa, bán đúc, bánh giò và món Phở cũng mau chóng thay thế cho những quán mì hay hủ tíu của người Tàu.

Ông nhà văn Nguyễn Tuân là người yêu món phở một cách quá khích, trong cách tả của ông thì Phở là tuyệt đỉnh văn hoá Việt Nam nhưng  “phải là phở Hanội cơ ”.

Ông nhà văn Nguyễn Tuân nói thế nhưng theo ông nhà văn Đái Đức Tuấn tức TCHYA một người từng lưu lạc sang Tầu làm cách mạng thì món phở chính là sự đồng hoá của văn hoá Việt Nam đối với văn hoá Tàu vì người Trung Hoa có món “Ngầu nhục Phẩn” tức là canh thịt trâu với bánh bột gạo.

Tuy nhiên ông TCHYA (tôi chẳng yêu ai)  không chứng minh được là Phở Việt Nam lưu lạc sang Tầu biến thành Ngầu Nhục Phẩn hay ngược lại nên luận điểm phở quốc hồn quốc tuý của ông Nguyễn Tuân vẫn được coi là đúng. Mấy ông ái quốc cực đoan thì la lớn “vậy thì đúng rồi, Quảng Đông Quảng Tây trước kia chả là của Việt Nam là gì.!!!”

Bát phở Hà nội mà ông Nguyễn Tuân ca tụng với tất cả những nét tinh tuý, tế nhị, từ cách cắt miếng thịt, mùi thơm đặc thù của nước phở ở từng cửa hàng, mầu xanh của hành ngò cho đến cách ăn của khách hàng khi thưởng thức bát phở, nói trắng ra chỉ là biểu tượng thêu dệt quanh miếng ăn của một vùng đất nước nghèo khó.

Món ăn của người nghèo, dân tộc nghèo thường phải cầu kỳ phức tạp, tinh tế trong cách chế biến vì người ta không ăn cái thật mà phần nào còn ăn thêm cả cái tinh tế của cảm giác và cái ảo ảnh của hạnh phúc trong một lần được no đủ.

Người ta bằng lòng và hãnh diện với những nghi lễ đôi khi cầu kỳ khi thụ hưởng miếng ăn.

Nguyễn Tuân từng mô tả câu chuyện ăn kẹo sỏi. Kẹo mạch nha được bọc trong những viên sỏi và được hai người bạn tâm giao trịnh trọng thưởng thức như một nghi lễ khi uống trà ngắm trăng.

Ở cái hải đảo Phù Tang nhiều đá ít đất nên thức ăn của người Nhật chỉ có cá và rong biển nhưng cách ăn và trình bầy thật trịnh trọng, kiểu cọ mỹ thuật dù chỉ là ít cơm nếp cuốn bên ngoài bằng rong biển ăn với cá sống chấm nước tương, không phải như bọn Tây vứt một miếng thịt bít tết gần nửa ký lô nằm chành bành trên mặt đĩa chẳng thanh cảnh chút nào.

Thật vậy, bát phở Hànôi của Nguyễn Tuân mà tôi từng được ăn thời thơ ấu là bát phở biểu tượng tuyệt vời của một vùng đất nghèo.

Phở phải đựng trong “bát chiết yêu” là một loại bát đặc thù của miền Bắc nhằm đánh lừa cảm giác của con người.

( chiết là thắt nhỏ yêu là cái eo vì thế mới có chữ Yêu Kiều  là thắt đáy như lưng con ong của người thiếu nữ)

Latest