Skip to content

Hoàng Sa, Trường Sa và Bôn Sa

Có lẽ, đó là cũng lẽ công bằng của tự nhiên, không thể nào đòi hỏi một sự toàn bích được, một dân tộc có quá nhiều ưu điểm phải có một yếu điểm chết người.

YouTube video: Hoàng Sa, Trường Sa, và Bôn Sa


Nhìn vào bản đồ thế giới, vị trí địa chính trị của Việt Nam thực là thuận lợi, như một món quà trời ban. Thời tiết không nóng lắm, mà cũng không lạnh lắm, không bị khô cằn gió cát như nhiều quốc gia khác. Đất đai màu mỡ nhờ vào sông Cửu long và sông Hồng biến Việt Nam thành một trong những nước xuất cảng gạo hàng đầu trên thế giới. Phía Bắc có núi đá cao chập chùng là tuyến phòng thủ thiên nhiên với những ý đồ xâm lược truyền đời từ phương Bắc. Phía Đông là một bờ biển chạy suốt chiều dài đất nước, mở cửa ra Thái Bình Dương bao la, tạo cơ hội cho Việt Nam giao thoa với các nền văn minh của thế giới. Mảnh đất đó đã nuôi dưỡng một dân tộc hiền hoà, thông minh, hiếu học, cần cù, nhẫn nại, nhưng bất khuất, quật cường, và không hề hèn cúi.

Vì hấp dẫn như thế, cho nên Việt Nam thường xuyên bị dòm ngó, xâm chiếm, không những trong quá khứ, hiện tại, mà sẽ còn mãi mãi trong tương lai. Đó là định mệnh của Việt Nam.

Việt Nam từng là một nước với dân số nhỏ, cho nên không phải lúc nào cũng đủ sức để chống trả thành công những cuộc xâm lược từ bên ngoài. Nhưng với nền kinh tế đang lên và dân số trẻ trung gần 100 triệu, hơn cả những nước từng là cường quốc như Anh, Đức, hay ngay cả Pháp, là nước từng xâm lược mình, vị thế Việt Nam trên thế giới nay đã đổi khác. Nước Việt Nam không còn thu mình trên mãnh đất hình chữ S mà còn vươn ra thế giới.

Hoàng Sa

"Bản quốc hải cương Hoàng Sa xứ tối thị hiểm yếu"
– Minh Mạng, 1836

Quần đảo Hoàng Sa nằm ngoài khơi Biển Đông, cách đảo Lý Sơn của Quãng Ngãi 200 hải lý, đã được các chúa nhà Nguyễn chinh phục, quản lý và khai thác, với nhiều bằng chứng còn lưu lại trong thư tịch cổ. Năm 1686, Đỗ Bá Công Đạo biên soạn cuốn Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư, viết "Giữa biển có một dải cát dài gọi là Bãi Cát Vàng (Hoàng Sa) dài tới 400 dặm… Họ Nguyễn mỗi năm và cuối mùa Đông đưa 18 chiếc thuyền đến đấy lấy hàng hoá, được phần nhiều là vàng bạc, tiền tệ, súng đạn…"

Viện bảo tàng Đội Hoàng Sa Bắc Hải ở đảo Lý Sơn


Năm 1695, nhà sư Thích Đại Sán ở Giang Tây, Trung Quốc đến Phú Xuân theo lời mời của chúa Nguyễn Phúc Chu, trong cuốn Hải Ngoại Ký Sự có viết về Hoàng Sa mà ông gọi là Vạn Lý Trường Sa như sau: "Khách có người bảo: mùa gió xuôi trở về Quảng Đông chừng vào độ nửa tháng trước sau tiết lập thu; chừng ấy, gió tây nam thổi mạnh, chạy một lèo gió xuôi chừng bốn năm ngày đêm có thể đến Hổ Môn. Nếu chờ đến sau mùa nắng, gió bấc dần dần nổi lên, nước chảy về hướng đông, sức gió nam yếu, không chống nổi dòng nước chảy mạnh về đông, lúc ấy sẽ khó giữ được sự ổn tiện vậy. Bởi vì có những cồn cát nằm thẳng bờ biển, chạy dài từ đông bắc qua tây nam; đống cao dựng đứng như vách tường, bãi thấp cũng ngang mặt nước biển; mặt cát khô rắn như sắt, rủi thuyền chạm vào ắt tan tành; bãi cát rộng cả trăm dặm, chiều dài thăm thẳm chẳng biết bao nhiêu mà kể, gọi là Vạn lý Trường Sa, mù tít chẳng thấy cỏ cây nhà cửa; Nếu thuyền bị trái gió trái nước tấp vào, dầu không tan nát, cũng không gạo không nước, trở thành ma đói mà thôi. Quãng ấy cách Đại Việt bảy ngày đường, chừng bảy trăm dặm. Thời Quốc vương trước, hằng năm sai thuyền đánh cá đi dọc theo bãi cát, lượm vàng bạc khí cụ của các thuyền hư tấp vào. Mùa thu nước dòng cạn, chảy rút về hướng đông, bị một ngọn sóng đưa đi thuyền có thể trôi xa cả trăm dặm; sức gió chẳng mạnh, chỉ sợ có hiểm hoạ Trường Sa."

Và nhiều những tài liệu cổ sử khác nữa như các văn kiện triều đình nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn liên quan đội Bắc Hải Hoàng Sa được phái đi hàng năm để khai thác, cũng như các ghi chép của các thương thuyền, chiến thuyền nước ngoài đi ngang qua khu vực này. Việt Nam và Pháp thay nhau quản lý quần đảo này cho đến khi Nhật chiếm đóng sát nhập Hoàng Sa vào Đài Loan khởi đầu cho những tranh chấp với người Phương Bắc. Mặc dầu năm 1950 Việt Nam tiếp thu từ Pháp nhưng Đài Loan cũng chiếm một số đảo, và đến năm 1974, Trung Quốc chiếm trọn quần đảo này.

Từ đó, Hoàng Sa là một tên gọi cho sự nhức nhói trong tâm khảm của người Việt về một cương vực của tổ tiên bị đánh mất, cũng như áp lực đe doạ từ Trung Quốc trong tương lai.

Mô hình ghe của Hải đội Hoàng Sa
video - trận hải chiến Hoàng Sa, 1974


Trường Sa

Trường Sa! Trường Sa! Đảo chuyến choáng
Thăm thẳm sầu vây trắng bốn bề
Lính thú mươi người lạ sóng nước
Đêm nằm còn tưởng đảo trôi đi

– Tô Thuỳ Yên, 1974

Quần đảo Trường Sa ở về Đông Nam của Việt Nam, địa bàn rộng lớn và đa dạng hơn với nhiều san hô, cồn cát, và rạn đá, ngậm chìm dưới nước khi thuỷ triều lên. Từ xưa Việt Nam gọi chung hai quần đảo này là Hoàng Sa hay Vạn lý Trường Sa. Sau này các nhà nghiên cứu địa dư Tây phương đo đạc và phân loại thành 2 quần đảo với tên gọi riêng biệt. Riêng về Trường Sa, người Pháp đã chính thức tuyên bố chủ quyền, xây dựng và đặt nhân sự quản lý từ những năm 1930. Sau này chuyển giao cho Việt Nam. Nhưng trong Đệ nhị Thế chiến, Nhật chiếm đóng Trường Sa để làm bàn đạp tấn công Phillipines. Chiến tranh kết thúc, Tưởng Giới Thạch của Đài Loan tuyên bố đường lưỡi bò và tranh giành các đảo ở Trường Sa với Việt Nam. Phi sau này cũng tham gia chiếm một số đảo.

Năm 1988, Trung Quốc dùng vũ lực để chiếm đảo Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma, sát hại 62 chiến sĩ và đánh chìm 3 tàu của hải quân Việt Nam. Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự trên ba đảo này và dùng chúng làm bàn đạp để  uy hiếp Việt Nam. Từ đó trở đi, Trường Sa và Biển Đông ngày càng trở nên sóng gió hơn với những tranh chấp giành giựt và cầm cự của đôi bên. Trung Quốc đang muốn chiếm trọn Trường Sa và Biển Đông để bao vây, chặn đường tiến thủ, xiết cổ, và tiêu diệt Việt Nam. Định mệnh của Trung Quốc với dân số 1 tỷ rưỡi người thiếu đói là phải tràn về phương Nam màu mỡ. Đây là một trận chiến mang tính sống còn đối với dân tộc Việt và vẫn đang tiếp diễn từng giờ.

video - Trung Quốc chiếm Gạc Ma như thế nào?


Bôn Sa

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
đời lưu vong không cả một ngôi mồ
vùi đất lạ thịt xương e khó rã
hồn không đi sao trở lại quê nhà

– Du Tử Lê, 1977

Cuộc chiến tàn bạo nhất trong lịch sử dân tộc với hơn 3 triệu người chết đã tạo ra một địa danh mới, "Bôn Sa." Nó còn xa hơn cả Hoàng Sa và Trường Sa. Đi bằng đường biển, từ đảo Lý Sơn của Quãng Ngãi, trực chỉ hướng Đông ra tới Hoàng Sa là 200 hải lý, nếu tiếp tục đi nữa, vượt qua khỏi Phi ra đại dương xanh và đi mãi thì 7 ngàn hải lý nữa sẽ tới Bôn Sa. Tất nhiên là với ghe thuyền đánh cá thô sơ của Việt Nam không thể nào chịu đựng được một cuộc hải trình xa xôi như vậy. Nhưng cũng có những người Việt đã đi. Thậm chí rất nhiều người đi, ước lượng hơn nửa triệu. Và bằng một cách nào đó, họ đã đến được xứ Bôn Sa.

Những người Việt di tản năm 1975, vừa đáp xuống chiến hạm hải quân Mỹ
Những người Việt vượt biển trong thập niên 1980


Bôn Sa là đất đã có chủ của xứ Cờ Hoa, hợp chủng nhiều dân tộc trên thế giới, cho phép tự do chung sống và tôn trọng luật pháp, người Việt đã xây dựng được một vùng sinh hoạt của riêng mình với gần nửa triệu người tập trung tại đây. Trung tâm của khu vực này là một đại lộ có tên Bolsa, nhưng theo cách phát âm của tiếng Việt, nó trở thành "Bôn-Sa." Mặc dù vô tình trùng hợp, nhưng đó là một cái tên hay thật hay. Sa có nghĩa là cát, gợi lên những trống trãi mây nước, nghìn dặm xa cách quê nhà. Bôn cũng có nghĩa là bôn ba. Và có người Việt nào đến được Bôn Sa mà không phải bôn ba. Cho nên, Bôn Sa là một cái tên tuy không chính thức nhưng thật gần gũi với thân thế, xuất phát, và tâm cảm của những người Việt xa quê.  

Nếu Biển Đông là bao lơn Thái Bình Dương, là ngã ba quốc tế, thì Bôn Sa là đầu cầu của Việt Nam đến trung tâm chính trị, kinh tế, học thuật và văn hoá của thế giới. Từ cái đầu cầu này, Việt Nam đã tiếp nhận trao đổi hàng hoá, tiền bạc, nhân sự, học thuật, tư tưởng, và văn hoá mới mẻ đa dạng. Trong sự phát triển của Việt Nam trong 40 năm vừa qua, vai trò của Bôn Sa không phải là nhỏ. Mặc dù khoảng cách địa lý xa xôi, nhưng quan hệ máu huyết gần như thân cận. Không có nơi nào trên thế giới lại tập trung đông đảo những quan hệ huyết thống gia đình như giữa Bôn Sa và Việt Nam. Bôn Sa tiếp tục phát triển theo sự phát triển của Việt Nam, tiếp tục hổ trợ Việt Nam, tiếp tục đón nhận những dòng người "bôn ba" mới, và tiếp tục là nơi thử nghiệm, lọc đãi, phát huy những tinh hoa của Việt Nam ra thế giới và ngược lại.

Diễn hành Tết, 2019

Một dân tộc được thiên nhiên ưu đãi, đã vượt qua được những giai đoạn đen tối, kiến tạo được những cơ hội thuận lợi, lẽ ra người ta có thể kết luận được một tiền đồ tươi sáng. Nhưng không thể, chưa thể, để có một kết luận dễ dàng như thế. Đối với tham vọng bành trướng của Hán tộc, điều đó không khó đối với dân tộc Việt Nam. Bởi gì có gì mới đâu? Từ khi lập quốc 4000 năm trước đã vậy rồi. Nhưng cũng từ khi lập quốc, mỗi lần dân tộc Việt Nam bị xâm chiếm là đều bởi vì mất đoàn kết.

Có lẽ, đó là cũng lẽ công bằng của tự nhiên thôi, không thể nào đòi hỏi một sự toàn bích được. Một dân tộc có quá nhiều ưu điểm, ít nhất cũng phải có một yếu điểm chết người. Và yếu điểm chết người của dân tộc Việt Nam là sự chia rẽ.

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia
Vietnam National Museum of History

Latest