Skip to content

Trung Quốc tiến thoái lưỡng nan

Tập Cận Bình đưa ra ý tưởng "Trung Quốc Mộng" như một đối sách với khái niệm American Dream (giấc mơ Hoa Kỳ), ông đưa ra siêu dự án toàn cầu "Một vành đai, một con đường" tương tự như Marshall Plan, kế hoach phục hồi kinh tế châu âu sau đệ nhị thế chiến của Mỹ.

Tại Đại hội Đảng Trung Quốc lần thứ 20 ở Bắc Kinh vào tháng 11 năm 2022, Tập Cận Bình được giới quan sát cho rằng sẽ phá lệ để thông qua một quyết định cho ông giữ chức Tổng bí thư thêm một nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có từ trước tới nay kể từ thời Đặng Tiểu Bình. Việc này có xảy ra hay không cũng còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có việc uy tín cá nhân của Tập Cận Bình có bị sức mẻ sau vụ Covid-19.

Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2011, thừa hưởng một Trung Quốc với tốc độ phát triển kinh tế thần kỳ. Nhưng là một người mang tư tưởng độc tài ý thức hệ hơn những người tiền nhiệm, nên đã đưa ra những chính sách nghiêm khắc cực đoan, vừa để củng cố quyền lực, vừa để tiến hành một số ý tưởng táo bạo của ông.

Ông đưa ra ý tưởng "Trung Quốc Mộng" như một đối sách với khái niệm American Dream (giấc mơ Hoa Kỳ), ông đưa ra siêu dự án toàn cầu "Một vành đai, một con đường" tương tự như Marshall Plan, kế hoach phục hồi kinh tế châu âu sau đệ nhị thế chiến của Mỹ. Ông giới hạn, kiểm duyệt báo chí, mượn cớ đánh tham nhũng để diệt đối lập, siết chặc quyền kiểm soát quân đội, và chặt vây cánh của một số nhà tư bản nội địa mới nổi lên. Ở Biển Đông, cho xây đảo nhân tạo uy hiếp Việt Nam và Phi Luật Tân. Ông hăm dọa Đài Loan và cảnh cáo Mỹ không được nhúng tay vào. Ông ra mặt không dấu diếm ý đồ cạnh tranh vị thế bá chủ thế giới với Mỹ.

Trong bối cảnh đó, dịch Covid-19 bùng nổ ra từ Vũ Hán và lan rộng ra toàn thế giới kể từ tháng 11 năm 2019 và cho đến nay vẫn chưa chấm dứt. Lúc đầu, chưa có vác-xin, Trung Quốc áp dụng chính sách cách ly triệt để đã đem lại thành công vượt bực, trong khi Mỹ, Ấn độ và Châu Âu khốn đốn, với số tử vong lên đến hàng triệu người. Trung Quốc và Mỹ chạy đua trong việc cấp tốc chế tạo vác-xin. Trung Quốc muốn chứng minh với thế giới rằng mô hình chính trị quản lý xã hội của Trung Quốc là ưu việt và khoa học kỹ thuật của Trung Quốc cũng không kém.

Trung Quốc và Nga vội vã tung ra trước vác-xin làm theo phương pháp cổ điển là dùng vi-rút đã bị suy yếu để tập cho kháng thể con người biết cách chống đỡ. Trong khi đó, Mỹ bất ngờ tìm ra một phương pháp vác-xin hoàn toàn mới có tên gọi là mRNA, hiệu quả hơn và có khả năng chống đỡ những biến chủng Covid.

Mỹ ra sức sản xuất và cung cấp cho thế giới, khiến tình trạng lây bịnh và tử vong Covid hiện nay đã giảm đi rất nhiều. Nhưng Trung Quốc vì sĩ diện không muốn dùng vác-xin của Mỹ, kiên nhẫn chờ đợi vác-xin mRNA nội địa, mà cho đến nay vẫn chưa làm xong để sử dụng.

Trước tình cảnh này, nếu Trung Quốc thả lỏng giao tiếp xã hội mà không có vác-xin hiệu quả, tình hình tử vong sẽ tăng cao làm sức mẻ uy tín của Tập Cận Bình. Thế nhưng, mua vác-xin của Mỹ cũng là một thú nhận thua kém, khiến cho Tập Cận Bình vẫn chưa chịu làm mặc dù chính sách cách ly triệt để ảnh hưởng nặng nề lên sự phát triển kinh tế và lòng kiên nhẫn chịu đựng của người dân. Hiện tại thì Tập Cận Bình cố đấm ăn xôi, ráng tranh thủ chức Tổng Bí Thư nhiệm kỳ thứ ba vào tháng 11 tới đây, hay cao hơn nữa là chức Chủ tịch đảng mà từ trước tới giờ chỉ dành cho những người sáng lập như Mao Trạch Đông hay Hồ Chí Minh.

So sánh với chính sách Covid của Việt Nam, thì Việt Nam uyển chuyển hơn. Cũng vận dụng trung ương tập quyền để thực thi chính sách cách ly triệt để tương tự như của Trung Quốc và gặt hái thành công trong giai đoạn đầu. Trong làn sóng bùng nổ sau đó, Việt Nam đã linh động tiếp cận với nguồn vác-xin của Mỹ và chuyển qua chính sách "chung sống với vi-rút" để cứu nền kinh tế. Hiện tại thì kinh tế Việt Nam đang phát triển theo một tỷ lệ khá tốt so với của Trung Quốc.

Đánh giá thành quả 2 nhiệm kỳ tổng cộng 10 năm của Tập Cận Bình, nước Trung Quốc đã từ một nước núp bóng Mỹ để phát triển kinh tế thần kỳ, trở thành một nước xưng hùng xưng bá ra mặt đối đầu với Mỹ. Khi đối đầu với Mỹ, thì một số yếu kém của Trung Quốc đã bị bộc lộ qua cuộc thương chiến Mỹ-Trung, ví dụ như đại công ty Huawei bị Mỹ cấm vận khoa học kỹ thuật đã suy sụp mất thị trường một cách nặng nề. Thái độ hung hăng của Trung Quốc và không biết thành tâm nhận lỗi trong vụ gây ra dịch Covid đã làm cho Châu Âu và thế giới không còn coi trọng, thậm chí còn có thái độ cảnh giác với Trung Quốc.

Tập Cận Bình đã quên lời dặn của Đặng Tiểu Bình "dấu nanh vuốt, chờ thời" mà xuất đầu lộ diện mưu đồ bá chủ thiên hạ quá sớm cho nên đang gặp phải nhiều trở ngại. Công khai liên minh với Nga trong một quan hệ chiến lược "không giới hạn" cũng làm cho Phương Tây manh nha tái thiết lập lại một vùng kinh tế chính trị riêng tương tự như thời Chiến Tranh Lạnh.

Sau đại hội đảng lần thứ 20, chắc chắn Tập Cận Bình sẽ rãnh tay để tung ra những chính sách mới. Có thể là ôn hòa và điều chỉnh thực dụng hơn. Nhưng cũng có thể là cố chấp, cực đoan hơn, tiêu diệt đối thủ chính trị nổi lên trong đại hội đảng. Và dẫn Trung Quốc vào một cuộc tranh hùng với Mỹ quyết liệt hơn.

Latest