Skip to content

Nga, Ukraina và Việt Nam

Khác với Trung Quốc, Việt Nam để yên cho 2 phe bên chống Nga Mỹ tha hồ lên tiếng mà không có sự ngăn cản nào.

Chiến hạm Mỹ ở Đà Nẵng
youtube video

Dư luận phản ứng của người Việt trong nước đối với cuộc xung đột giữa Nga và Ukraina chia làm 2 phe rõ rệt. Phe thân Nga nói theo chiêu bài của Nga. Phe thân Mỹ nói theo giọng điệu của Mỹ.

Một cách tóm tắt thì phe thân Nga nói rằng liên minh quân sự NATO đe dọa Nga, rằng Ukraina là phát xít Nazi, rằng Ukraina là đất đai theo truyền thống lịch sử thuộc về Nga, rằng tổng thống Putin anh minh không có quyết định sai lầm, rằng cuộc xung đột chỉ là một cuộc hành quân đặc biệt, không phải là một cuộc chiến tranh xâm lược toàn diện, rằng những sát hại dân lành là do truyền thông phương Tây đồng lõa dựng lên, và rằng so với tội ác của Mỹ, việc này không nhằm nhò gì. Nói chung là ủng hộ và bảo vệ Nga hết mình.

Còn phe thân Mỹ thì nói rằng, đây là một cuộc xâm lược một quốc gia lân bang một cách trắng trợn của Nga bằng vũ lực mà chỉ xảy ra trong thời giành thuộc địa, phá vỡ trật tự quốc tế xây dựng lên từ sau đệ nhị thế chiến, trong đó sự toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia dù lớn hay nhỏ đều phải được tôn trọng.

Vậy thì ai đúng? Ai sai? Là người Việt Nam, phải nhìn về vấn đề này như thế nào?

Nói về đúng và sai luôn luôn khó và sẽ không bao giờ nhìn thấy điểm đồng thuận nếu không đặt trên nền tảng quan điểm như thế nào.

Những người ủng hộ phe thân Nga bởi vì Nga là một đồng minh thân cận truyền thống, từng ủng hộ lớn lao trong chiến tranh chống Mỹ, từng áp lực giải cứu cuộc chiến tranh chống Trung Quốc ở biên giới phía Bắc vào năm 1979, sự hiện diện của Nga ở Cam Ranh cũng làm cho Trung Quốc bị cầm chừng không chiếm nhiều đảo ở Trường Sa hơn trong năm 1988. Và cho đến nay, Nga vẫn là đồng minh duy nhất cung cấp vũ khí cho Việt Nam để có khả năng răn đe, bảo vệ tổ quốc và chính quyền. Về mặt chính trị, Nga là lá chắn mà Việt Nam dùng để đối phó với áp lực từ Trung Quốc và Mỹ trong quan hệ quốc tế.

Với một đồng minh quan trọng cho sự sống còn của mình như thế, Việt Nam tất nhiên bắt buộc phải đứng về phía của Nga. Cho đến khi cái giá phải trả lớn hơn những lợi ích mang lại được. Hiện tại, nếu so sánh lợi ích và thiệt hại, thì phần lợi ích quá lớn. Chưa thấy một triển vọng trong tương lai gần nào để Việt Nam bỏ rơi Nga.

Trong khi đó, Mỹ là cứu cánh kinh tế của Việt Nam kể từ giai đoạn Đổi Mới cho tới nay và trong tương lai. Việt Nam đã nếm mùi bị cấm vận của Mỹ trong giai đoạn chiếm đóng Campuchia, tương tự như tình trạng đang bắt đầu xảy ra của Nga. Sau khi Việt Nam đồng ý rút quân khỏi Campuchia vào năm 1989, Mỹ mới bắt đầu cho phép Việt Nam tham gia vào hệ thống kinh tế của Mỹ. Và từ đó, nền kinh tế của Việt Nam mới được khởi sắc và tiếp tục phát triển thành công đến nỗi người ta bắt đầu nhắc đến Việt Nam như một Trung Quốc kinh tế của tương lai.

Phát triển kinh tế tốt cho phép Việt Nam hiện đại hóa xã hội, quân đội, cũng cố vững vàng chế độ chính trị, có được sự ủng hộ của quần chúng, loại bỏ được nguy cơ lật đổ chế độ hay cách mạng màu.

Như vậy, chúng ta có thể thấy vai trò cần thiết của Mỹ đối với Việt Nam cũng vô cùng quan trọng và to lớn. Nếu Nga quan trọng đối với Việt Nam trong quá khứ và hiện tại, thì Mỹ cũng quan trọng đối với Việt Nam không kém trong hiện tại và tương lai. Cho nên, Việt Nam cũng không thể ra mặt chống Mỹ một cách thẳng thừng, cho đến khi áp lực từ phía Nga lớn đến nỗi những đe dọa thiệt hại lớn hơn những lợi ích mang lại. Hiện tại áp lực của Nga chỉ mới ở chừng mực bỏ phiếu ủng hộ ở Liên Hiệp Quốc hay tuyên bố tập trận chung. Đây là những thiệt hại ở chừng mực Việt Nam có thể chấp nhận được để tiếp tục giữ được những lợi ích từ Nga. Tuy nhiên, tương lai chưa biết sẽ diễn biến như thế nào. Giả dụ thế chiến thứ ba xảy ra, Trung Quốc và Nga đối đầu với Mỹ và NATO, chưa chắc Việt Nam sẽ còn tiếp tục đứng về phía Nga.

Nền chính trị thế giới từ xưa đến nay, cho dù có dùng những mỹ từ vỏ bọc chủ nghĩa như thế nào, thì đừng bao giờ quên bản chất của nó vẫn là "cá lớn nuốt cá bé." Trách nhiệm của những người lãnh đạo Việt Nam và những người dân Việt Nam là bảo vệ quyền lợi của quốc gia. Những phân tích trên đây không nói về sự đúng sai trên những quan niệm chính trị chủ quan, mà dựa trên quan điểm quyền lợi quốc gia.

Chính sách ngoại giao Việt Nam mặc dầu phải hai lần bỏ phiếu ở Liên Hiệp Quốc có lợi cho Nga vì rằng như bắt buộc không thể khác hơn được, nhưng khác với Trung Quốc, về mặt chính quyền không có tuyên bố chính thức nào hơn, và về mặt dư luận quần chúng, Việt Nam để yên cho 2 phe bên chống Nga Mỹ tha hồ lên tiếng mà không có sự ngăn cản nào. Đây là một thái độ nước đôi khôn ngoan của một nước nhỏ trong một trận đồ bủa vây áp lực của các nước lớn. Việt Nam phải tỉnh táo trước những diễn biến quốc tế phức tạp trong những ngày sắp tới.

Latest