Skip to content

Trịnh Công Sơn là thiên tài với tác phẩm Gia tài của Mẹ

Nếu ở Cai Hạ, Trương Lương thổi tiêu khúc Sở Ca làm tan hàng 10 vạn quân Hạng Võ, thì bài Gia Tài Của Mẹ của Trịnh Công Sơn cũng đã đóng góp không nhỏ vào chiến thắng của năm 1975.

Trịnh Công Sơn, Huế, 1969
youtube video

Ca sĩ Khánh Ly về Việt Nam lưu diễn, hát bài "Gia tài của Mẹ" của Trịnh Công Sơn, bị dư luận trong nước "quăng đá" quá trời, vì trong bài hát có hai chữ "nội chiến" bị một số đông trên mạng không chấp nhận.

Thực ra, theo tôi, bài hát "Gia tài của Mẹ" là một trong những tác phẩm lớn trong dòng nhạc "Phản Chiến" của Trịnh Công Sơn, nhất là giá trị đóng góp vào sự nghiệp thống nhất đất nước. Bài hát bắt đầu bằng một câu rất hay, đi vào tâm khảm của người Việt và đã được nhắc nhớ trên cửa miệng của người đời sau:

"Một nghìn năm nô lệ giặc Tàu,
một trăm năm đô hộ giặc Tây,
hai mươi năm nội chiến từng ngày,
gia tài của Mẹ để lại cho con,
gia tài của Mẹ là nước Việt buồn."

Trong khi bộ máy Chiến tranh Chính trị của Miền Nam rao giảng về chủ nghĩa tự do, về sự xâm lăng của Miền Bắc, thì các câu chữ trong bài Gia Tài Của Mẹ của Trịnh Công Sơn đã đánh thẳng vào cái tình đồng bào và lòng yêu nước của người dân Việt Nam. Bài hát được sáng tác ở Miền Nam, được Khánh Ly hát cho dân Miền Nam nghe, đánh động rằng đây là một cuộc chiến giữa anh em cùng mẹ cùng cha:

Mẹ trông con mau bước về nhà
Mẹ mong con lũ con đường xa
Ôi lũ con cùng cha, quên hận thù


Những câu nhạc thơ tuyệt diệu này đã làm động lòng rủn chí người lính Miền Nam và không ít trong số họ đã buông tay súng, trốn lính, hoặc không hăng hái chiến đấu nữa. Lòng dân cũng giao động với chiến tranh. Vào thời Hán Sở Tranh Hùng bên Trung Quốc, nếu ở Cai Hạ, Trương Lương thổi tiêu khúc Sở Ca làm tan hàng 10 vạn quân Hạng Võ, thì bài Gia Tài Của Mẹ của Trịnh Công Sơn cũng đã đóng góp không nhỏ vào chiến thắng của năm 1975.

Nếu người ta nhớ đến Văn Tiến Dũng với "Đại thắng Mùa Xuân", Phạm Xuân Ẩn với "Điệp viên hoàn hảo," thì người ta phải nhớ Trịnh Công Sơn với "Gia tài của Mẹ." Những người này đã đứng ngang hàng với nhau trên những mặt trận khác nhau của cuộc chiến thắng năm 1975.

Chữ "nội chiến" không những chính xác mà còn rất hiệu quả trong việc cho những người lính Miền Nam một lý do để buông súng. Một lý do đi thẳng vào cảm tính mà không qua lý trí. Cái thiên tài của Trịnh Công Sơn là ở chỗ đó.

Ngoài ra, cái nghĩa của từ "nội chiến" là cuộc xung đột giữa những công dân trong cùng một quốc gia. Nếu "nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một", thì đây phải được gọi là nội chiến. Bởi vì trong hơn 3 triệu người chết, chỉ có 58 ngàn là của Mỹ, còn lại là của hai miền Nam Bắc.  Sau Hiệp Định Ba Lê 1973, Mỹ rút quân, chỉ còn lại lính của hai miền Nam Bắc đánh nhau. Lúc Đại tá Bùi Tín vào Dinh Độc Lập, chỉ có tổng thống Miền Nam Dương Văn Minh đầu hàng. Lúc đi tù cải tạo, chỉ cũng chỉ có lính Miền Nam, không có lính Mỹ. Thành ra, nếu dùng từ gì khác hơn "nội chiến" thì cũng là khiên cưỡng?

Để kết luận, theo tôi, chuyện ca sĩ Khánh Ly hát bài Gia Tài Của Mẹ không phải là chuyện gì lớn. Nếu làm lớn chuyện chỉ vì hai chữ "nội chiến" càng lấn cấn nữa. Thứ nhất sẽ không giải thích suôn sẽ tại sao không cho sử dụng một chữ đúng với bản chất của sự việc. Có gì cần phải khuất tất đây chăng?

Thứ nhì, một chuyện gì xảy ra, hãy từ từ bàn bạc, mổ xẻ, phân tích, rồi hãy đánh giá kết luận. Nếu quá nhanh nhẩu nhảy vào "quăng đá" hoá ra chữ nghĩa chỉ được dùng như là những "cục đá" hay sao?

Thứ ba, phủ nhận bài Gia Tài Của Mẹ, là phủ nhận tài năng của Trịnh Công Sơn, và phủ nhận sự đóng góp của ông vào sự nghiệp thống nhất đất nước.

Latest