Skip to content

Wendy Sherman, thứ trưởng ngoại giao Mỹ, viếng thăm Việt Nam và châu Á nhằm mục đích gì?

Nếu trong thời kỳ nối lại bang giao, Mỹ yêu cầu Việt Nam chứng minh thiện chí trong quan hệ hợp tác qua việc đi tìm hài cốt phi công Mỹ bị bắn rơi trong chiến tranh, thì bây giờ là lúc Việt Nam yêu cầu Mỹ chứng minh thiện chí không bí mật âm mưu lật đổ chính quyền hiện tại của Việt Nam.

Thứ trưởng ngoại giao Mỹ, bà Wendy Sherman, tại Đại học Fulbright, tp Ho Chi Minh
YouTube video

Thứ trưởng ngoại giao Mỹ, bà Wendy Sherman, làm một cuộc viếng thăm dài ngày qua nhiều nước ở Á Châu trong tháng 6 năm 2022, bao gồm Nam Hàn, Phi Luật Tân, Lào và Việt Nam. Chuyến đi của bà tiếp theo sau chuyến công du Á Châu của tổng thống Joe Biden đến hai đồng minh quan trọng nhất ở Á Châu là Nam Hàn và Nhật, để thắt chặt chiến lược đối phó với Trung Quốc. Trong lúc ở Á Châu, ông Biden đã có những tuyên bố leo thang căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ như việc ông tuyên bố Mỹ sẵn sàng tham chiến trợ giúp Đài Loan trong trường hợp nước này bị Trung Quốc tấn công. Đồng thời ông cũng đưa ra sách lược hợp tác kinh tế có tên là Indo-Pacific Economic Framework (IPEF).

Những diễn biến chính trị này cho thấy một nước Mỹ quay lại với Á Châu với những động thái cụ thể hơn về quân sự, chính trị và kinh tế. Trong việc triển khai chiến lược mới này của Mỹ, vai trò của Việt Nam là cực kỳ quan trọng. Chính vì thế mà trong bài phát biểu của bà Wendy Sherman ở đại học Fulbright, bà đã liên tục trấn an Việt Nam bằng những thuật ngữ như "tôn trọng thể chế chính trị" và "toàn vẹn lãnh thổ." Đây là hai củ cà rốt mà Mỹ đưa ra để đáp trả lại việc Trung Quốc đánh vào nỗi lo của chính quyền Việt Nam sợ bị lật đổ thay thế bằng thể chế dân chủ qua cách mạng màu.

Nếu trong thời kỳ nối lại bang giao Mỹ-Việt vào thập niên 1990 sau khi Việt Nam rút quân khỏi Cambodia, Mỹ yêu cầu Việt Nam chứng minh thiện chí trong quan hệ hợp tác qua việc đi tìm hài cốt phi công Mỹ bị bắn rơi trong chiến tranh, thì bây giờ là lúc Việt Nam yêu cầu Mỹ chứng minh thiện chí không bí mật âm mưu lật đổ chính quyền hiện tại của Việt Nam.

Chiến sách đối ngoại của Việt Nam có một thay đổi lớn trong giai đoạn "Đổi Mới" năm 1986, đó là rời xa khối xã hội chủ nghĩa, phong trào Phi Liên Kết và sự phụ thuộc quá nặng nề vào Liên Xô để tìm sự đa phương hóa trong quan hệ quốc tế. Hiện nay Việt Nam là nước ký 15 hiệp định thương mại tự do, bao gồm cả những hiệp ước với tiêu chuẩn cao như với EU hay CPTPP. Về quân sự có quan hệ với cả Nga lẫn Mỹ. Ngay cả những việc như tham gia gìn giữ hòa bình với Liên Hiệp Quốc cũng nhằm mục đích nâng cao khả năng và trình độ chuyên nghiệp của quân đội hiện đại. Đây là cách Việt Nam triển khai trận địa nghi binh khiến cho Trung Quốc phải đắn đo nếu có ý định dùng vũ lực với Việt Nam.

Về phía Mỹ, bà Sherman cho biết những ưu tiên ý muốn của các quốc gia Đông Nam Á trong đó có Việt Nam về một thế giới phát triển kinh tế thịnh vượng, tôn trọng thể chế của nhau, tuân thủ luật lệ quốc tế, và tăng cường sức mạnh quân sự để mang lại ổn định, cũng là những lợi ích cho Mỹ. Có nghĩa là hai bên cùng thắng, cùng có lợi. Bà muốn thuyết phục rằng chính sách ngoại giao của Mỹ đối với Việt Nam là chân thành.

Cho nhiều lý do cho thấy Mỹ hoàn toàn không có ý định lật đổ chính quyền Việt Nam. Thứ nhất, tham gia vào chiến tranh Việt Nam trong thế kỷ 20 đã làm cho nước Mỹ chia rẽ phân hóa trầm trọng mà cho đến nay chưa hàn gắn được. Nước Mỹ hiện tại không đủ ý chí đồng thuận để có một sự tham dự xung đột trở lại với Việt Nam. Hơn nữa, sự tham dự của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam nằm trong bối cảnh đấu tranh ý thức hệ Cộng Sản-Tự do, và đối sách Chiến Tranh Lạnh. Mỹ hoàn toàn không có lòng thù hận hay đố kỵ gì với Việt Nam.

Hiện tại ngay cả nếu muốn, Mỹ cũng không có đủ khả năng hay sức lực để đi khai sáng thành lập những quốc gia theo thể chế dân chủ. Trường hợp Iraq và Afghanistan là ngoại lệ, bắt nguồn từ những nhu cầu chính trị quân sự khác, như vì Saddam Hussein xâm lăng Kuwait, vì bảo vệ sự ổn định của vùng dầu hỏa Trung Đông, hay vì Taliban tấn công New York 911.

Thứ hai, Mỹ cần Việt Nam để đối phó với Trung Quốc. Các công ty của Mỹ đang chạy thoát khỏi Trung Quốc cần một thị trường lao động nhân công rẻ mới, và Việt Nam là một thị trường nhân dụng không thể bỏ qua. Hiện tại đã có khá nhiều công ty quan trọng của Mỹ có mặt và làm ăn tại Việt Nam, khó mà có thể hình dung Mỹ muốn Việt Nam bị xáo trộn ổn định xã hội.

Thứ ba, Mỹ muốn thấy Việt Nam có một nền quân sự mạnh mẽ để làm lá chắn bảo vệ Đông Nam Á. Cứ hình dung nếu Việt Nam èo uột như Thái Lan hoặc Phi Luật Tân, hai đồng minh có hiệp ước quân sự của Mỹ, thì tình huống đối đầu với Trung Quốc của Mỹ ở Đông Nam Á sẽ lập tức lâm nguy.

Mặc dầu quan hệ của Mỹ và Việt Nam chưa được nâng lên tầm "đối tác chiến lược" nhưng những đồng minh thân cận của Mỹ như Nam Hàn, Nhật, Úc và Ấn Độ đều có những yểm trợ giúp đỡ Việt Nam về quân sự. Đây cũng có thể là một nghệ thuật ngoại giao quân sự khá ấn tượng của Việt Nam.

Nói tóm lại chuyến đi của bà Wendy Sherman đến Việt Nam là để cũng cố và thúc đẩy tốc độ phát triển ngoại giao, quân sự, chính trị và kinh tế của hai nước theo một định hướng đã có sẵn từ trước, trong một thời kỳ mà Mỹ đang nôn nóng triển khai chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của họ.

Latest