Skip to content

Chào bạn cũ, đón kẻ thù mới

Trung Hoa hiện trong tầm nhắm của Hoa Kỳ. Đó là một thực tại quá hiển nhiên. Bốn chục năm trước Trung Hoa là "tối huệ quốc" thì hiện nay đã trở thành" Tối cừu quốc".

Đông Duy Hoàng Kiếm Nam

Cuộc hội đàm ảo kéo dài trên ba tiếng đồng hồ trên mạng lưới điện tử diễn ra giữa Biden và Tập Cận Bình mang trọn vẹn hình ảnh huyễn ảo lộng giả thành chơn của một vở tuồng trong đó hai diễn viên chính đã thủ diễn trọn ven vai trò ghi trong kịch bản.

Cả hai đều tỉnh táo nhận thức rõ vai trò trong màn kịch mà mình đang thủ diễn với hi vọng mong manh là khán giả sẽ bị mê hoặc trong vở tuồng chính trị này.

Diễn viên Biden có vẻ không được tự tin và không thuộc bài nên phải đọc bản thảo kịch bản để trên bàn, trái lại Tập cận Bình có vẻ tự tin và chủ động hơn là cung cách phần nào rụt rè nhân nhượng của Biden trong những đề nghị, (khác hẳn vì cách nói một áp đặt cha chú theo kiểu Trump.)

Đây chỉ là màn dạo đầu  nên cũng không có gì gây cấn lắm nên cả hai đều tươi cười dù cũng không giấu được cái cung cách "tiên văn hậu võ,"  (miệng trước chân tay sau.)

Phía Hoa Kỳ, Biden mở đầu bằng việc đưa ra luật chơi khi nhấn mạnh "đây chỉ là một cuộc chơi để hai phía thi đua cạnh tranh dành thắng lợi (competition) ."

Đơn gỉan như trong một cuộc tranh tài thể thao, mã thượng, có thắng có thua nhưng không là chủ tâm giết nhau "just a simple competition" .

Phía Tập Cận Bình cũng có luận điệu tương tự khi nói Trung Hoa và Hoa Kỳ như hai con tàu cần tránh đâm vào nhau.

Câu nói này hàm ý là một đối đầu trực diện Hoa Mỹ là điều có thể tránh được (nếu người ta muốn tránh.)

Giống trong một chiến thư, Hoa Kỳ cũng đưa ra những mục tiêu, những điều kiện mà phía mình sẽ phải tranh thủ trong cuộc tỷ thí .

Phía Trung Hoa cũng nêu lên một số yếu huyệt và "cảnh cáo đối thủ là nếu chạm vào những yếu huyệt nhậy cảm này thì luật chơi sẽ chuyển từ cạnh tranh mã thượng sang tử chiến."

Vấn đề nhân quyền và diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ là môt cái nhọt bọc tuy đang mưng tấy nhưng chưa bể vỡ, Biển Dông cũng chỉ là một sân chơi cần thiết cho cả hai phía nhưng Đài Loan là một yếu huyệt, một trọng điểm chiến lược sinh tử cho cả hai phía. Không thể bảo đảm sinh mạng của Nhật và Đại Hàn nếu mất Đài Loan ngược lại thì Đài Loan là cái bàn nhún để tấn công Hoa Lục va hiện đang được sử dụng như cái mồi bẫy trong cuộc thi đua Hoa-Mỹ.

Vì thế, một mặt Biden tuyên bố vẫn chấp nhận trên nguyên tắc "một Trung Hoa-One China" mặt khác vẫn tăng cường quân sự với hải đảo này.

Đối với Tập Cận Bình thì sát nhập Đài Loan không chỉ quan trọng trên phương diện an ninh lãnh thổ mà còn là cái chiêu bài tối cần thiết để nuôi dưỡng khuynh hướng quốc gia cực đoan nên đã không ngần ngai đe doạ "Đụng vào Đài Loan là chơi với lửa"

Rất tiếc là hầu hết những mục tiêu được Hoa Kỳ đưa ra lại chính là những yếu huyệt mà Trung Hoa lo ngại và khó có thể nhượng bộ.

Từ đơn giản như khí hậu toàn cầu cho đến những mức độ khó khăn hơn như  tự do hải hành trên Biển Đông, đường lưỡi bò cho đến những vấn đề đâm vào gan ruột Trung Hoa như chuyện nhân quyền, diệt chủng tại Ba Nhĩ Cán, bảo vệ Đài Loan, đường lưỡi bò,  tự do hải hành trong khu vực Indo Pacific.

Cuộc thảo luận "cởi truồng" trên mạng lưới Internet tất nhiên mang tính ảo của nó nên không thể mang lại một thoả thuận cụ thể nào như nhận xét của họ Tập:

"Đây là lần đầu tiên chúng ta gặp nhau trong không gian ảo, mặc dù cung cách này không thể tốt đẹp như một cuộc gặp gỡ trực diện nhưng tôi rất sung sướng được thấy người bạn cũ của tôi"

Với những đối trọi quyền lợi và đối kháng trong mục tiêu chiến lược đường dài giưã hai quốc gia vẫn chưa thể giải quyết và "hầu như không thể giải quyết được ngoại trừ phải thực sự đánh nhau dưới một dạng nào đó".  Vì thế, người ta cho rằng câu chào hỏi nói trên sẽ chỉ đầy đủ ý nghĩa  tiềm ẩn là "chào ông bạn cũ, đón kẻ thù mới".

Có lẽ cũng sợ bị vu vạ là khuất phục trước Trung Hoa, Biden đã nhiều lần phải chối bỏ "không, tôi không là bạn của ông ấy!"

Sự thực thì  Hoa Kỳ từng là bạn của Trung Hoa, từng cứu vớt Trung Hoa khỏi sự thống trị của phát xít  Nhật trong đệ nhị thế chiến, său đó đưới hai triều đại Nixon và Carter đã vớt Trung Hoa khỏi vũng lầy tăm tối của lạc hậu và đói khổ.

Đó là chuyện cũ, đã 40 năm qua, ở phút này, khi diễn ra cuộc đối thoại ảo Biden- Cận Bình thì Trung Hoa đã hiện nguyên hình thành một kẻ thù cực kỳ nguy hiểm. Giám đốc an ninh Hoa Kỳ nói rằng "đây là một hiểm nguy chưa từng thấy" mà Hoa Kỳ sẽ bắt buộc phải đối đầu trong một trận tử chiến cuối cùng để phân định ngôi thiên tử thế giới trong nhiều thế kỷ tới.

Đúng như quan điểm của sử gia và lý thuyết gia quân sự Thucydides từ 450 năm trước Thiên Chúa giáng sinh thì khi có sự trỗi dậy thế lực của một tân đế quốc  thì sự kình chống với một đế quốc đang trị vì để dành quyền lãnh đạo là chuyện đương nhiên phải đưa tới chiến tranh.

Một trong hai phía sẽ phải khuất phục, không thể có chuyện hai ta cùng ăn đồng chia đủ. Cán cân quân bình lực lượng kinh tế, quân sự của mỗi bên  không thể đứng ở mức quân bình lâu dài.

Cho đến hiện nay thì hiển nhiên Hoa Kỳ chưa thể, không thể, chấp nhận sự thống trị của bất cứ quốc gia nào và càng không thể bị thống trị bởi Trung Hoa.

Không những thế cuộc đối đầu tương lai Hoa Mỹ, sẽ mở rộng thành một đối đầu truyền thống đó là đối đầu Đông Tây (East West conflict).

Từ 40 năm qua, với chỉ đạo "Long tiềm hổ phục", che dấu sức mạnh, Trung Hoa mai phục để phục kích thế giới, nhưng từ thời Tập Cận Bình thì Hoa Lục  đã thực sự lộ hình thành một con khủng long và những lời đe doạ xuông của Mao như đòi tiêu diệt con hổ giấy Hoa Kỳ đẫ trở thành một hiểm hoạ cụ thể.

Hiểm hoạ toàn thế giới bị Trung Hoa thống trị như sự lo ngại từ thời Napoleon qua Churchill bắt đầu  thành hiện thực kể từ vụ lấn chiếm Hoàng sa 1975 tới cuộc chiến tranh biên giới với Việt Nam năm 1978, đường lưỡi bò, xâm phạm và áp đảo chiến hạm Phi, đe doạ Đài Loan, ngăn cản lưu thông trên Biển Động với vùng nhận diện phòng không, áp lực kinh tế với Úc Châu và Tây phương

Trung Hoa không chỉ biểu dương uy lực mềm kinh tế mà cả về khoa học, kỹ thuật quân sự.

Một vài cơ quan nghiên cứu kinh tế chính trị có uy tính như Standard Chartered của Anh Quốc dự báo là tới 2030 Trung Hoa sẽ chiếm ngôi vị "nền kinh tế lớn nhất thế giới", và Hoa Kỳ sẽ tụt xuống hạng ba sau cả Ấn Độ.

Còn 9 năm nữa để kiểm chứng dự phóng nói trên dù không lâu trước cuộc hội đàm ảo, Biden vẫn khẳng định :

"Tôi sẽ ngăn cản Trung Hoa qua mặt  Hoa Kỳ để trợ thành quốc gia hùng mạnh nhất trên quả địa cầu này."

"Mục tiêu tổng quát của Trung Hoa là chiếm được vai lãnh đạo, là trở thành quốc gia giầu nhất, hùng mạnh nhất thế giới... điều này sẽ không thể xẩy ra dưới sự giám sát của tôi vì Hoa Kỳ sẽ tiếp tục lớn mạnh."

Biden nói thế nhưng những dấu hiệu ngày một gia tăng cho thấy trong nhiều địa hạt từ kinh tế, khoa học, quân sự, người Tàu đang bám sát Hoa Kỳ và nhiều triển vọng sẽ qua mặt nước Mỹ nếu không bị ngân chăn cấp thời hoặc có một biến cố mãnh liệt nào để ngăn cản điễn tiến đáng lo ngại này.

Cái biến cố mãnh liệt đó như sự tiên liệu của cơ quan điều nghiên chiến lược Rand Corporation thì một cuộc chiến tranh Hoa-Mỹ là chuyện tất yếu.

Chiến tranh dù dưới dạng thức nào, một cuộc chiến  ngắn hạn, tàn bạo hay chiến tranh tiêu hao cục bộ kéo dài nhưng kết quả cuối cùng vẫn phải là đưa tới "một sự thay đổi biên cương và thể chế chính trị trên đại lục Trung Hoa.".

Nói đơn giản là phải phân liệt đại lục Trung Hoa thành nhiều tiểu quốc và tạo thành những  tương quan khối như hình thức liên bang Âu Châu (Euro).

Trong thời gian làm phó tổng thống, Biden cho biết  đã nhiều lần thảo luận  lâu dài trong nhiều tiếng đồng hồ để thuyết phục Tập Cận Bình là chìa khoá tương lai cũa nhân loại không phải là một thể chế độc tài toàn trị mà phải là một thể chế dân chủ.

Món hàng dân chủ mà Biden rao bán hiển nhiên không hấp dẫn với họ Tập vì theo Biden, Cận Bình cũng như Putin đều tin tưởng rằng độc tài mới là xu hướng của tương lai, dân chủ không thể hoạt động hữu hiệu trong một thế giới ngày càng phức tạp hơn.

Cho đến nay, rõ ràng là Tập Cận Bình đang chuẩn bị cai trị thêm một nhiệm kỳ nữa, ngay cả sẽ thành một "Mao không có Mao".

Đảng Cộng Sản Tàu hiện đang tô son vẽ phấn để hình ảnh Tập Cận Bình được nâng cao ngang tầm với Mao chủ tịch muôn năm .

Một chế độ dân chủ, có sự thích nghi uyển chuyển dể chịu đựng những biến cố hay tai ương quan trọng có thể thích hợp với Hoa Kỳ nhưng một chế độ độc tài toàn trị với nhân danh một chế độ quốc gia cực đoan, gói trong cái viễn ảnh phục thù và phục hưng của một đế quốc Trung Hoa huy hoàng trong quá khứ lại có vẽ hữu hiệu với Trung Hoa vì nó gíup tẩy soá được những vết tích ô nhục, hèn kém của triều đại Mãn Thanh hoặc trong giai đoạn tiền Đệ nhị Thế chiến.

Viên thuốc độc bọc đường này hiển nhiên đang ăn khách tại Hoa Lục, thoả mãn tự ái của người Tàu và cũng giúp củng cố thế lực của họ Tập nên ông ta sẽ tiếp tục khai thác nó qua với những hành động hung hăng cả về quân sự lẫn kinh tế.

Trung Hoa càng hung hăng càng ngang ngược, hỗn xược càng làm người Tàu thoả mãn cho dù có phải chịu đựng một kìm kẹp cao độ.

Đó là cái mẫu số chung của những chế độ độc tài, đó là sự vận dụng và đẩy mạnh những nhân danh lên tới mức mê cuồng của một thứ tôn giáo. Chẳng còn gì khác biệt giữa Staline, Tojo, Mao hay Tập Cận Bình.

Đường dài thì chưa thể biết chắc cái chiều hướng Thiên tử Tập Cận Bình này có tồn tại được hay không nhưng trước mắt, trong 40 năm qua, không thể chối cãi từ lúc Đặng Tiểu Bình theo Nga Sô cởi trói, một phép nhiệm mầu đã xẩy ra trên đại lục Trung Hoa

Bốn chục năm qua, từ thời Mao nước Tàu với 50 triệu người chết đói, ngay cả Mao muốn nửa nước Tàu chết đi để nửa còn lại có đầy bao tử, dân Tàu chịu đói lạnh, phá cửa nhà thay than để đốt những lò luyện kim sau vườn nhà, phá hoại mọi vật dụng, xài mọi thứ kim khí phế thải nhưng không làm đuợc một cái đinh oằn.

Cho đến nay,  ít nhất ở ngoại diện họ Tập đã đạt được cuộc phục thù Tây Phương trong điều mà ông ta gọi là "cuộc phục hưng vĩ đại của nước Tàu", không chỉ với kho võ khí nguyên tử tiếp tục gia tăng, những võ khí với tân kỹ thuật hiện đại, như thử nghiệm thành công hoạ tiễn siêu thanh lướt trên thượng tầng không gian và chớp nhoáng tấn công chính xác vào mục tiêu, thám hiểm Hoả tinh và mặt trăng, siêu computer thế hệ mới áp dụng quantum physics nhanh gấp ngàn lần ngay cả những super computer thông thường và lại có khả năng học hỏi thêm kiến thức như bộ óc con người. Kể không hết.

Không thể mơ màng không nhìn thấy những thành quả vượt bực và sức mạnh kinh tế quân sự của Trung Hoa. Cũng phải hiểu rằng đà tiến này sẽ không dừng lại nếu không có phương cách kiềm toả.

Nếu 80 năm trước Churchill gọi Tưởng Giói Thạch là gã tù trưởng của một bộ lạc mọi rợ thì hiện nay Tập Cận Bình là tù trưởng của môt bộ lạc đã lên tới Hoả Tinh và có thể bình địa Anh Quốc trong giây phút.

Để huy trương thanh thế với thế giới, Trung Hoa dự mưu dùng cuộc tranh tài mùa Đông tại Bắc Kinh 2022 thành một sàn trình diễn căn minh, kỹ thuật, sức mạnh quân sự và chứng tỏ với thế giới là vinh quang quá khứ của cái  "quốc gia ở trung tâm" đã được thể hiện trong hiện kỹ thuật hiện tại và tương lai của Trung Hoa.

Cũng có những quan điểm cho rằng ngọn gió quyền lực đã đổi chiều trong tương quan Đông Tây, "bờ Tây lở, bờ Đông bồi".

Sẽ có những đổi thay mãnh liệt trong thập niên tới liên quan tới 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới trong đó ưu thắng thống trị của Tây phương thế kỷ trước đã chuyển sang những tân quốc gia kinh tế đặc biệt tập trung trong khu vực Á Châu như Trung Hoa , Ấn Độ, Indonesia (theo thang bậc nhất nhì và thứ tư, Nhật và Đức đứng hạng chót trong bảng "thập đại quốc gia kinh tế").

Đối với Hoa Kỳ thì chỉ cần mất ngôi vị số một đã không  thể chấp nhận được nói gì thụt xuống hàng thứ ba như dự đóan nói trên. Như trong cuộc thi đua với Nga Sô, khi Kennedy xoay tròn quả địa cầu và nói:

"Thử tưởng tượng nếu chúng ta thụt xuống hàng thứ  nhì!". Tụt khỏi ngôi vị số một là mất hết!

Một một tướng lãnh Hoa Kỳ nhận xét việc Trung Hoa bắn thành công hoả tiễn siêu âm của cũng giống như hồi chuông báo động khi Nga Sô phóng vệ tinh Sputnik bay vòng vòng quanh địa cầu phát ra những tín hiệu bíp bíp đầy khiêu khích làm Hoa Kỳ tỉnh ngủ bước vào cuộc thi đua chinh phục không gian... và đã thắng lợi.

Hoa Kỹ cũng đã nhận ra tín hiệu thách thức đầy nguy hiểm của Trung Cộng hay chưa khi vị tướng chỉ huy lực lượng hay binh chủng Chiến tranh Không gian Hoa Kỳ bất nhẫn thú nhận:

"khả năng hoạ tiễn siêu thanh của Hoa Kỳ đã thua Trung Hoa ....Trung Hoa là quốc gia đầu tiên bắn một hoả tiễn siêu thanh từ một "phi cơ vệ tinh" lượn trên thượng tầng không gian."

Hiển nhiên là từ giới quân sự cho đến quần chúng đã cảm nhận được thách thức đầy đe doạ này thể hiện qua những phản ứng mơ hồ như phong trào thù ghét người Tàu biến thành cao trào chống Á Châu (Anti-Asian) hoăc qua nhận xét của các chuyên viên quân sự như Giám đốc Viện An ninh Quốc gia John Ratcliffe:

"Đe doạ quân sự và kinh tế của Trung Hoa với Hoa Kỳ đang  gia tăng. Đây là mối đe doạ lớn nhất cho chế độ dân chủ và tự do của toàn thế giới. Đã quá rõ ràng là Trung Hoa muốn thống trị Hoa Kỳ và toàn thể thế giới bằng kinh tế, quân sự và tân kỹ thuật."

Phía Tập Cận Bình, ông ta  đủ khôn để hiểu là sự bộc phát thế lực quân sự và kinh tế của Trung Hoa được Hoa Kỳ nâng đỡ từ thời Đặng Tiểu Bình, sẽ phải bước và giai đoạn suy thoái trong vòng năm hay mười năm tới khi mà thế giới đã kiện toàn được một đường giây sản xuất (production line) ở Đông Nam Á và Ấn Độ thay thế cho Trung Hoa trong lúc và vòng vây an ninh quân sự đang siết chặt hơn quanh đại lục.

Trong viễn kiến này, Tập Cận Bình đang vội vã tìm cách rút ngắn thời gian thực hiện những mục tiêu dài hạn với một chính sách chấp nhận rủi ro, thách thức nguy hiểm vì mọi người đều thấy trong bối cảnh kinh tế chính trị liên hệ toàn cầu như hiện nay thì cho tới 2020 vẫn còn thuận theo tham vọng của Trung Hoa. Tình trạng này phải chấm dứt để kiềm toả sự bành trướng nguy hiểm của Trung Hoa. Thế giới đang cai bệnh nghiền Made in China

(Chính Hoa Kỳ tuy quan ngại nhưng chưa thực sự thuận theo một đối đầu quân sự cụ thể khi mà sự phát triển của toàn thế giới còn bị ràng buộc, hoặc lệ thuộc sâu đậm trong quan hệ kinh tế với Hoa Lục).

Thâm ý chiến lược cuả Tập Cận Bình là trong thập niên (1921-1931) Trung Hoa phải cố đạt được sự thống trị kinh tế quân sự trong toàn cõi Á Châu, mở đường về phía Tây với con đuờng lụa thế kỷ 21, mở rộng bá quyền của  đế quốc Trung Hoa lan khắp vùng Trung Á (Central Asia) nơi tràn ngập tài nguyên và chưa có cạnh tranh với Tây Phương.

Chỉ khi nào đã đạt được những mục tiêu này Trung Hoa mới cảm thấy an ninh của mình được bảo đảm trong an toàn tương tự như một Châu Á của Trung Hoa, một "Châu Mỹ của người Mỹ".

Vì thế, mục tiêu chính của Trung Hoa là bảo toàn được sự thống trị Á Châu chống lại mọi sự xâm nhập quân sự hay kinh tế của Hoa Kỳ vào khu vực.

Để đạt mục tiêu này phải tái chiếm Đài Loan, kiểm toạ thủy lộ eo biển Đài Loan để bóp nghẹt thở Nhật Bản, Đại Hàn, tuyệt đối phải thủ tiêu lý lịch những quốc gia phía Bắc và Tây Bắc nước Tầu như Mãn Châu, Mông Cổ, Tân Cương, Tây Tạng để mở đường và Trung Á, và ở phía Nam xâm nhập tiến dần đến thống trị những quốc gia Asian bằng kinh tế để và đồng hoá chủng tộc theo kiểu tầm ăn lá vẫn diễn tiến từ muôn thủa. Nói theo Tập Cận Bình là "mưa dầm lâu ngày cũng thấm đất."

Tất nhiên phía Hoa Kỳ sẽ không thể để điều này xẩy vì hiện tại thế lực quân sự của Hoa Kỳ với ngân sách quốc phòng 600 tỷ (so với Trung Hoa 180 tỷ) đang chiếm 40% tiềm năng quân sự của thế giới chưa kể mạng lưới đồng minh Tây phương, Úc Châu và Á Châu.

Tuy nhiên nhưng người ta cũng không thể quên được Trung Hoa với một nền văn minh có  truyền thống vĩ đại và bền vững nhất nhân loại, với tiềm năng nhân lực của một tỷ hai trăm triệu con người, bị thúc đậy trong một chế độ độc tài toàn trị thì sự nguy hiểm có thể bành trướng mau chóng ngoài sức tưởng tượng.

Nếu Vạn lý Trường thành là một kỳ tích ở thời đại Tần Thủỵ Hoàng thì hiện nay việc kiện toàn một Đại Trường Thành Tân Á Châu, thắng lướt Tây Phương vơi khoa học và kỹ thuật để đạt một kỳ tích mới "trong việc tranh ngôi Thiên Tử địa cầu của Hoa Kỳ hoặc một trận chiến tận diệt cũng là chuyện khả hữu.

Bài học của quân phiệt Nhật Bản và Đức quốc xã còn đó. Chỉ một thời gian ngắn hai tiểu quốc nghèo tài nguyên này đã làm rung chuyển địa cầu thì với một đại lục Trung Hoa và một Thiên tử Quân phiệt Tập Cận Bình thì sự nguy hiểm sẽ tăng lên gấp bội.

Trung Hoa hiện trong tầm nhắm của Hoa Kỳ. Đó là một thực tại quá hiển nhiên. Bốn chục năm trước Trung Hoa là "tối huệ quốc" thì hiện nay đã trở thành" Tối cừu quốc". Giai đoạn dàn trận đã bắt đầu.

Latest