Skip to content

Huawei báo hiệu sự sụp đổ của "Giấc mộng Trung Hoa"

Thuỵ Điển tuyên bố thẳng thừng vì lý do ‘an ninh quốc gia’ và coi Trung Quốc như một trong những ‘đe doạ lớn nhất đối với Thuỵ Điển.’ Điều gì đã làm cho Trung Quốc từ một vị trí được nhiều quốc gia Âu Châu quỵ luỵ nay trở thành bị xa lánh?

Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Jilian) cáo buộc Thuỵ Điển dùng ‘an ninh quốc gia’ như là một cái cớ để nói xấu, đàn áp những công ty viễn thông của Trung Quốc, bóp nghẹt và chính trị hoá quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia. Ông cảnh cáo, Thuỵ Điển phải sửa đổi sai lầm này ngay để tránh sự trả đũa đối với những công ty của Thuỵ Điển đang làm ăn ở Trung Quốc. Trước đó, đại sứ Trung Quốc tại Thuỵ Điển Quế Tòng Hữu (Gui Congyou) cũng đã có những phát biểu trịch thượng, so sánh Thuỵ Điển như là một võ sĩ hạng ruồi dám so găng với võ sỹ hạng nặng Trung Quốc. Thuỵ Điển là quê hương của giải Nobel Hoà bình và nhiều giải nhân quyền khác, cho nên không bị khuất phục, thế nhưng thái độ thẳng thừng của Thuỵ Điển đã làm cho nhiều người ngạc nhiên. Một số quốc gia khác, như Ý, Canada hay ngay cả Anh quốc, cũng quyết định không sử dụng sản phẩm của Huawei (Hoa Vi), nhưng chọn thái độ ít gây tranh cãi hơn.

Dù chọn thái độ nào, một điều ai cũng có thể nhìn thấy được là sau sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 và những động thái đàn áp của Trung Quốc đối với Hồng Kông, phe các quốc gia tự do dân chủ dưới sự lãnh đạo của Mỹ đã có một sự đồng thuận đằng sau hậu trường để đối phó với Trung Quốc. Chi tiết của sự đồng thuận này chưa được tiết lộ, nhưng những động thái liên tiếp và nhịp nhàng của các quốc gia chứng tỏ một chiến lược toàn cầu mới đang được triển khai và các bên bị đẩy vào tình thế phải chọn phe. Ngay cả Nga, lúc trước đong đưa gợi ý một quan hệ hợp tác chiến lược mạnh mẽ hơn với Trung Quốc để đối trọng với Mỹ, thì lúc này cũng im lặng giữ khoảng cách hơn.

Nguyên nhân nào đã dẫn đến tình thế này? Có phải tại vì Trung Quốc theo chủ nghĩa Cộng sản? Không hẳn thế, bởi vì Trung Quốc theo chủ nghĩa Cộng sản đã hơn 70 năm nay, chứ có phải ngày hôm qua đâu. Hơn nữa, phe chống Trung Quốc này lại sẵn sàng mở rộng cửa chơi với Việt Nam, một quốc gia cũng đi mô hình chính trị tương tự. Cuộc chiến ý thức hệ Chiến Tranh Lạnh của thế kỷ 20 đã qua và kết quả đã rõ, không nhất thiết là chủ nghĩa tự do dân chủ thắng, mà là chủ nghĩa kinh tế thị trường thắng. Những quốc gia như Trung Quốc hay Việt Nam có thể đi theo chủ nghĩa Cộng sản, nhưng nếu chấp nhận luật chơi thị trường tự do, thì đều có thể tham gia. Và trận thế chiến đang xảy ra trong thế kỷ 21 là để bảo vệ trật tự và luật chơi của nền kinh tế thị trường này.

Số lượng bán máy điện thoại di động của Samsung Hàn Quốc qua mặt Apple của Mỹ, công ty sáng tạo ra kỹ nghệ này, nhưng Mỹ không hề phát động chiến tranh kinh tế để kềm hãm Samsung. Hay Ericsson của Thuỵ Điển và Nokia của Na Uy đi tiên phong trong lĩnh vực viễn thông 5G, không có đối thủ ở Mỹ, nhưng không vì thế mà Mỹ đàn áp những công ty này, thậm chí còn có đề nghị hợp tác để thay thế Huawei. Điều này chứng tỏ rằng Mỹ không ganh ghét với Huawei vì ưu việt kỹ thuật của nó, mà vì sự không tôn trọng quy luật kinh tế thị trường.

Mở cửa cho Trung Quốc tham gia vào nền kinh tế thị trường do Mỹ lãnh đạo vào thập niên 1970 không phải là một quyết định đơn phương của một quốc gia mà là một chiến lược của cả phe tự do dân chủ trong Chiến Tranh Lạnh. Nếu không có sự đồng thuận của các cường quốc, thì không thể nào Trung Quốc có thể thay thế vị trí Uỷ viên Thường trực của Đài Loan trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Thế nhưng, Trung Quốc không tôn trọng luật chơi của kinh tế thị trường mà còn tích cực lạm dụng nó để đưa ra một mô hình chính trị và trật tự thế giới mới.

Sở dĩ, Huawei đánh bạt được nhiều đối thủ kinh tế cạnh tranh trên thế giới là bởi vì Huawei không phải là một công ty tư nhân thuần tuý như những công ty khác trong nền kinh tế thị trường. Trung Quốc mang cả sức mạnh của quốc gia đứng đằng sau Huawei để áp lực chuyển giao công nghệ, đánh cắp công nghệ, trợ cấp tài chính, ưu tiên hợp đồng, lấn áp đối thủ cạnh tranh trong thị trường nội địa. Trung Quốc bằng mọi cách vừa đá banh vừa thổi còi để nhanh chóng đạt được những mục tiêu bắt kịp và vượt qua những quốc qia tiên tiến.

Trước những hiện thực rõ rệt mà ai cũng nhìn thấy như thế, cho nên những yêu cầu của Trung Quốc trong việc chứng minh về mặt kỹ thuật những âm mưu cài đặt trong thiết bị viễn thông của Huawei không được ai trả lời. Những yêu cầu đó lạc lõng rơi vào khoảng không, không có giá trị phản biện và không thuyết phục được ai.

Với vụ gây hấn lấn áp ở Biển Đông, diệt chủng ở Tân Cương, xé bỏ hiệp định đã cam kết với Anh Quốc, đàn áp dân quyền ở Hồng Kông, và dấu diếm nguồn gốc đại dịch Vũ Hán, niềm tin rằng Trung Quốc sẽ chấp nhận khuôn khổ luật chơi của kinh tế thị trường đã không còn nữa. Nền kinh tế thị trường mà thế giới đang thừa hưởng ngày hôm nay là thành quả của những trùng trùng xương máu của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, qua 2 cuộc Thế chiến và Chiến Tranh Lạnh của thế kỷ 20. Một khi đã đánh mất niềm tin, khó mà có thể lấy lại lại. Trung Quốc sẽ không còn được tuỳ tiện lạm dụng nền kinh tế thị trường của thế giới nữa, mà phải đối phó với tình hình ngày càng khó khăn khi bị soi mói từng động thái, đòi hỏi sự minh bạch và tuân thủ luật chơi.

Ưu thế thị trường nhân công giá rẻ của Trung Quốc cũng không còn nữa, các công ty đa quốc gia đã bắt đầu phong trào rời Trung Quốc và tái phối trí một mạng lưới sản xuất mới trên thế giới. Về mặt chính trị quân sự, những liên minh mới, như Bộ Tứ Kim Cương Quad, hình thành ở Á Châu để đối phó với Trung Quốc. Những sự cố tẩy chay liên quan đến Huawei chỉ là những dấu hiệu chớm nở của giai đoạn xung đột.

Phản ứng của Trung Quốc sẽ như thế nào? Khó mà nói trước được một chuyện tương lai to lớn như thế, nhưng nó cũng có thể rơi vào một trong những vùng khả dĩ sau đây. Một là Trung Quốc nhanh chóng thay đổi thái độ, chấp nhận tuân thủ luật chơi quốc tế, và gầy dựng lại uy tín. Triển vọng này sẽ làm Trung Quốc trở thành một quốc gia ôn hoà sống dựa trên sự cần cù và sáng tạo của chính mình thay vì lạm dụng lũng đoạn thế giới như trước đây.

Hai là, Trung Quốc tiếp tục định hướng hiện tại, đấu tranh giành giật, xây dựng đồng minh và tách ly hai nền kinh tế. Một khi bị cắt đứt khỏi thế giới tự do, Trung Quốc sẽ không còn thừa hưởng khả năng điều chỉnh nhạy bén được mang lại từ kinh tế thị trường nữa. Nền chính trị tập trung của Trung Quốc sẽ dẫn đến những bế tắt kinh tế tương tự như của Liên bang Sô Viết trước đây.

Ba là, Trung Quốc cảm thấy bị dồn vào đường cùng, phát động chiến tranh xung đột ở Biển Đông hay Đài Loan. Vì Trung Quốc là một quốc gia sở hữu vũ khí nguyên tử, Mỹ khó nhảy vào trực diện đối đầu, nhưng một cuộc chiến “ký gửi” tiêu hao gián tiếp sẽ xảy ra cho đến khi Trung Quốc bị cô lập, bị áp lực sụp đổ, hay bị nội loạn từ bên trong.

Hoàn toàn không thấy triển vọng Trung Quốc thắng Mỹ. Trung Quốc vẫn còn thiếu quá nhiều yếu tố để lãnh đạo thế giới và sau đó xây dựng một trật tự theo “Giấc mộng Trung Hoa”. Những đề xuất táo bạo của Trung Quốc từ kinh tế cho đến chính trị đều mang tính thử nghiệm chưa được lọc đãi qua thời gian, cho nên không ổn định bằng trật tự kinh tế thị trường do Mỹ xây dựng từ sau Đệ nhị Thế Chiến. Chiến lược của Trung Quốc là âm thầm soán đoạt dựa vào sự bản chất lòng tham chạy theo lợi nhuận của chủ nghĩa tư bản và sự chậm chạp trong phản ứng của những quốc gia dân chủ, nhưng vì Tập Cận Bình quá vội vàng nên đã lộ nanh vuốt trước thời điểm chín mùi.

Trước Đệ nhị Thế Chiến, trật tự của thế giới nằm trong tay các quốc gia thực dân, bừa bãi chiếm cứ các quốc gia khác làm thuộc địa để khai thác. Với chiến thắng Điện Biên Phủ, Việt Nam là một nước có công trong việc giải thể trật tự chế độ thuộc địa. Trong Chiến Tranh Lạnh, Việt Nam cũng là chiến trường, trả giá cho sự xung đột gián tiếp của các cường quốc nguyên tử. Trong thế kỷ 21, vì vị trí địa lý sát Trung Quốc và Biển Đông, Việt Nam sẽ đóng một vai trò then chốt trong cuộc xung đột mới. Cơ hội lớn hay tai hoạ lớn, hoàn toàn tuỳ thuộc vào sự sáng suốt và khôn ngoan của Việt Nam trong những ngày sắp tới.

Latest