Skip to content

Cả hai cùng thắng, dân tộc thắng

Một kịch bản lý tưởng trong ngoài hợp nhất đưa Việt Nam đi lên trở thành cường quốc, bảo đảm cho dân tộc trường tồn, đang chờ đợi và hoàn toàn có thể xảy ra.

Đền Hùng
youtube video

Vào thập niên 1920, 1930 nước Pháp thay đổi và suy yếu sau Thế chiến Thứ nhất và Đại Khủng hoảng Thế giới, lòng dân Việt sôi sục, thanh niên lớn lên có chút hiểu biết và chí khí đều muốn đi làm cách mạng để đánh đuổi thực dân Pháp. Tiếp theo đó là Thế Chiến Thứ hai và Nhật lật đổ Pháp ở Đông Dương tạo ra thời cơ chín mùi để dân tộc giành độc lập.

Lúc đó cụ Phan Bội Châu đang bị giam lỏng ở Huế, được nhờ đứng ra tìm cách hợp nhất các đảng phái cách mạng đang hoạt động mạnh thời đó, như Tân Việt Cách Mạng Đảng của Lê Văn Huân, Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội của Nguyễn Ái Quốc và Việt Nam Quốc Dân Đảng của Nguyễn Thái Học, nhưng việc dang dỡ không thành. Kể từ đó những người cách mệnh yêu nước Việt Nam tách ra theo theo hai con đường Cộng sản và Quốc gia.

Kịch bản lý tưởng nhất cho đất nước đã không xảy ra, thời cơ vuột mất để cho những thế lực cường quốc trên thế giới nhảy vào chia đôi, biến Việt Nam thành chiến trường của cuộc Chiến Tranh Lạnh. Cộng sản và Quốc gia đã trở thành những người không đội trời chung cho tới ngày hôm nay. Một bất hạnh lớn của dân tộc.

Những người yêu nước của một trăm năm trước đã tận lực, nhưng việc đoàn kết dân tộc họ chưa làm được, không biết rằng những người của một trăm năm sau có làm được hay không? Hoá giải được xung đột Quốc-Cộng sẽ là may mắn lớn nhất của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 21.

Sau đây là một ý tưởng đề xuất khả thi cho việc hoá giải bế tắt này, đồng thời cũng tạo sinh lộ để Việt Nam vươn lên trở thành một cường quốc lớn trên thế giới.

1. Giải pháp cho người Việt Quốc gia ở hải ngoại

Xuất phát của tư tưởng Quốc gia bắt nguồn từ đầu thế kỷ 20, khi đất nước đứng trước ngưỡng cửa phải chọn lựa ý thức hệ và thể chế cho dân tộc. Cuối cùng, chủ nghĩa Cộng sản đã thắng một cách toàn diện trên đất nước Việt Nam vào năm 1975. Nhưng không lâu sau đó chủ nghĩa Cộng sản trên thế giới tan rã vào năm 1989.  Chính quyền và đảng Cộng sản Việt Nam đã nhanh chóng "đổi mới" cho phép kinh tế tư nhân, gia nhập nền kinh tế thị trường của thế giới, thích nghi với tình thế để giữ vững quyền lực và phát triển. Chiến Tranh Lạnh chấm dứt, người Việt Quốc gia đứng về phía thắng trận trong cuộc chiến ý thức hệ, nhưng thực ra lại bị thua người Cộng sản thêm một lần nữa.

Lý cho chính cho sự thất bại triền miên này là vì người Quốc gia mặc dù chủ trương đấu tranh cho tự do dân chủ, nhưng lại chưa bao giờ cố gắng sinh hoạt tự do dân chủ. Vì không biết vận dụng tự do dân chủ để có sức mạnh đích thực, sức mạnh của người Việt Quốc gia chỉ là con số không. Dù có tích cực chỉ trích sự sai trái của Cộng sản Việt Nam đến bao lâu đi nữa thì cũng sẽ không mang lại một thắng lợi nào, như đã trong quá khứ và cũng sẽ trong tương lai.

Người Việt Quốc gia chỉ có thể thắng, nếu biết tự thắng mình.

Bằng cách nào?

Bằng cách vận dụng cái bửu bối "tự do dân chủ" ngay chính trong môi trường xã hội đang sống. Người Việt Quốc gia không cần phải tiếp tục tranh đấu lật đổ chính quyền Việt Nam nữa, mà thay vào đó hãy thành lập một quốc gia Việt tự do dân chủ thực sự, ở bên ngoài Việt Nam. Với phương tiện nối kết truyền thông và những ứng dụng Internet, ngày nay người ta hoàn toàn có thể thành lập một quốc gia trên không gian mạng! Đây là một cơ hội chưa bao giờ có trước đây.

Đa số quần chúng hải ngoại đều muốn nhìn thấy Việt nam trở thành một quốc gia tự do dân chủ như trào lưu chung trên thế giới. Tập thể quần chúng này là nền tảng để tạo nên một quốc gia bao gồm các thành viên công dân tự nguyện khắp nơi bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Quốc gia này có tự do ngôn luận, có hiến pháp, có đa đảng và có tam quyền phân lập.  Sức mạnh của tập thể quần chúng hải ngoại và những cơ hội nảy sinh từ một tập thể có chung một mục đích sẽ là nền tảng để phát triển nội lực kinh tế và từ đó thực thể như một quốc gia có thể tự hoạt động được.

Một võ trường chính trị mới sẽ được mở ra cho các tài năng chính trị sinh hoạt. Người dân quyết định hướng đi của quốc gia qua hình thức bỏ phiếu. Chính trị gia là những tài năng thể hiện đắc lực các khuynh hướng chính trị trong quần chúng. Qua đó, các ý tưởng sáng kiến giải pháp chính trị có thể kịp thời đưa ra, cọ sát, tranh luận, lọc đãi, quyết định và đi đến hành động, không cứng nhắc như hiện nay, bị một thiểu số khư khư nắm giữ làm tắt nghẽn sinh hoạt chính trị của người Việt hải ngoại.

Hiện thực hoá cụ thể như thế nào có thể sẽ được triển khai thêm trong một dịp khác, nhưng ở đây, tác giả muốn bàn về hệ quả của một quốc gia Việt trên không gian mạng.

Thứ nhất, các chủ trương chính trị của quốc gia Việt mới này sẽ ít cực đoan và ôn hoà hơn, tương tự như đặc tính của những quốc gia tự do dân chủ khác trên thế giới. Quan hệ với Việt Nam có thể sẽ ôn hoà và thực dụng. Không chủ trương lật đổ chế độ, tuy nhiên, về lâu về dài cũng có khả năng ảnh hưởng sâu sắc đến xã hội Việt Nam theo chiều hướng tự do dân chủ.

Thứ hai, ý tưởng đề xuất này thích hợp với nguyện vọng, và nhất là khả thi, hoàn toàn nằm trong tầm tay của người Việt hải ngoại, không phụ thuộc vào một tiền đề xa vời như phải "thay đổi chế độ" ở Việt Nam trước khi có thể thực hành tự do dân chủ. Một điều quan trọng hơn nữa, đó là khả năng hiện thực hoá sức mạnh của 4 triệu người Việt hải ngoại trong việc đóng góp hổ trợ kiến tạo một Việt Nam hùng cường nhân bản trong tương lai.

2. Giải pháp cho đảng Cộng sản Việt Nam

Nếu người Việt hải ngoại thành lập được một Quốc gia tự do dân chủ ôn hoà ở bên ngoài Việt Nam, thì đảng Cộng sản không phải lo lắng lắm về những thế lực thù nghịch cực đoan chực chờ lật đổ chế độ. Việc này mở ra nhiều cơ hội để đảng thực hiện những cải tổ lâu dài.

Việt Nam không cần phải theo chế độ Cộng sản nữa. Chủ nghĩa Cộng sản chỉ có giá trị đối với dân tộc Việt Nam trong việc giành độc lâp vào một thời kỳ mà những nước tư bản không thực tâm trao trả độc lập. Tiếp tục theo đuổi chế độ Cộng sản như hiện nay cũng chẳng được một lợi ích yểm trợ nào về mặt kinh tế, chính trị hay quân sự từ khối Cộng sản như trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh. Nước lớn Cộng sản đàn anh còn lại là Trung Quốc, mặc dù trên danh nghĩa là Cộng sản, nhưng thực chất là dân tộc cực đoan, chẳng chia sẻ một chút ý thức hệ nào với Việt Nam. Chẳng những thế, Trung Quốc còn là kẻ tử thù đối đầu tồn vong nguy hiểm nhất của Việt Nam hiện nay.

Về mặt đối ngoại, tiếp tục theo thể chế Cộng sản làm cho nhiều quốc gia trên thế giới hoài nghi và thường nhanh nhạy nhảy vào chỉ trích hình thức độc tài mỗi khi có những sự kiện nhân quyền lớn nhỏ nào xảy ra. Ngay cả việc tự nhiên trước mắt là liên minh với Mỹ để bảo vệ quốc gia thì Việt Nam cũng không dám tin vào thực tâm của Mỹ vì sự khác biệt thể chế. Mỹ có thể liên minh với chính quyền Cộng sản Việt Nam, nhưng nếu có một thời điểm dân chúng đứng lên đòi tự do dân chủ, Mỹ sẽ luôn luôn đứng về phía nhân dân.

Về đối nội, chính quyền Cộng sản còn tiếp tục làm tốt việc phát triển kinh tế thì dân chúng còn hài lòng chấp nhận. Nhưng khi kinh tế bị trì trệ, đời sống khó khăn thì bao nhiêu lý do sai lầm tội lỗi sẽ đổ lên đầu đảng Cộng sản hết, từ tham nhũng, bất công, cho tới độc tài. Với những bất trắc trong việc phát triển kinh tế, thì điều này hoàn toàn có thể xảy ra vào một thời điểm của tương lai.

Lý do lớn nhất mà Việt Nam chưa tự làm cuộc cách mạng dân chủ là vì sợ bị lật đổ loại bỏ khi đang triệt thoái như trường hợp của Liên Xô trước đây. Tuy nhiên, sự ổn định và phát triển hiện tại của Việt Nam chính là thời cơ vàng để đảng Cộng sản thực hiện cuộc "đổi mới 2" ngoạn mục này. Thay đổi căn bản nhưng vẫn giữ được ổn định xã hội và vai trò lãnh đạo.

Bằng cách nào?

Bắt đầu bằng cách trong sạch hoá hệ thống nhân sự qua "bầu cử tự do công bình bằng phiếu kín" trong mọi tầng lớp nội bộ đảng. Đây là một thay đổi đơn giản không khó làm, nhưng sẽ là động cơ hạt nhân làm thay đổi dây chuyền cơ chế và bản chất của Đảng một cách sâu sắc trong an toàn và không làm lung lay vai trò lãnh đạo của Đảng.

Hiện nay, việc mua quan bán chức đã làm băng hoại mục ruỗng sức mạnh của đảng Cộng sản Việt Nam. Đã có bán mua thì phải có tham nhũng. Người mua chức để làm quan tham nhũng thu hồi lại vốn bỏ ra và kiếm thêm lời. Dù cho có một vài lãnh đạo thực tâm diệt tham nhũng thì cũng không thể nào diệt được hết. Tham nhũng tràn lan là nguy cơ diệt vong cho cả đảng Cộng sản và dân tộc Việt Nam. Đảng cũng như người dân không thể ngồi yên để chờ đợi ngày tàn đang đến.

"Bầu cử tự do" dù là ở trong nội bộ đảng cũng phải đi đôi với "tự do báo chí" để những nhân tài chính trị trong sạch, thanh liêm có nhiều sáng kiến có chỗ phát biểu và tìm kiếm ủng hộ của những đảng viên khác. Tự do báo chí trong nội bộ đảng và chính quyền cũng không phải là một rào cản lớn nữa khi mà chủ thuyết giáo điều Cộng sản không còn được theo đuổi một cách ràng buộc như xưa.

Bước thứ hai là ưu tiên cải tổ tư pháp. Quyền lực phải được giám sát một cách chí công vô tư bởi hệ thống tư pháp. Tư pháp công bình sẽ bảo đảm một Việt Nam phát triển ổn định lâu dài. Việc thực hiện những cải tổ này không phải lo khi mà bầu cử tự do trong nội bộ đảng đã chọn ra được nhưng đảng viên tài năng chân chính với những sáng kiến để đối phó với các vấn đề đang phải đối mặt. Những cải tổ tiến bộ trong những lĩnh vực khác như giáo dục, y tế, kinh tế, tài chính, chính trị và quân sự cũng từ đó sẽ được tiến hành lan toả một cách tương tự.

Làm được công cuộc đổi mới này trước khi thời điểm xung đột với quần chúng xảy ra, thì vai trò lãnh đạo của đảng Cộng sản sẽ vững chắc có thể cả trăm năm sắp tới. Tài sản của giới giàu có thừa hưởng từ thành quả của chế độ sẽ được bảo toàn. Ngược lại, nếu không, thì phải tiếp tục sống với những nổ lực chống tham nhũng duy ý chí chắp vá nửa vời, chính trị phe phái, lo âu bị lật đổ, và nhất là không vẽ nên được một bức tranh tương lai đất nước đang đi về đâu, không tạo được niềm tin cho nhân dân.

3. Kết luận

Tất cả những điều kiện kỹ thuật đã sẵn sàng trong tầm tay, nhưng nếu người Việt ở hải ngoại cho rằng việc thành lập một quốc gia trên mạng là quá khó, là ảo tưởng, là không làm được, thì họ cũng không phải là những người nên theo đuổi chuyện lật đổ chế độ cộng sản Việt Nam bằng vũ lực cách mạng, bởi vì nó sẽ khó gấp trăm ngàn lần hơn.

Về phía Việt Nam, đảng Cộng sản đang là thực thể chính trị mạnh nhất, có khả năng nhất trong việc phát triển kinh tế và bảo vệ đất nước, nhưng những cơ chế chọn lựa được xây dựng trong chiến tranh cần phải "đổi mới" để thích nghi với sự phát triển trong hoà bình. Làm được điều này chính là tránh được nguy cơ diệt vong và đồng thời giúp được dân tộc tìm ra lối thoát.

Một trăm năm sau thì cũng như một trăm năm trước, người Việt Nam đang phải đứng trước những chọn lựa lịch sử. Và chọn lựa nào cũng có cái giá phải trả. Hy vọng sẽ không phải là bằng máu và nước mắt như đã từng. Một kịch bản lý tưởng trong ngoài hợp nhất đưa Việt Nam đi lên trở thành cường quốc, bảo đảm cho dân tộc trường tồn, đang chờ đợi và hoàn toàn có thể xảy ra. Chỉ cần sự đồng thuận và quyết tâm của những con dân Việt Nam còn ưu tư đến tiền đồ của tổ quốc.

Latest