Skip to content

Nguyễn Ngọc Lập với bài thơ "Bà Mẹ Phước Long"

Ông là một nhà thuyết giảng tạo ra hai phản ứng đối cực trong khán thính giả. Có nhiều người nghe ông nói chuyện rồi cho ông là một kẻ điên rồ, nhưng có một số lượng không nhỏ coi ông như một triết gia với kiến thức bao quát.

Nguyễn Ngọc Lập đọc bài thơ "Bà Mẹ Phước Long" tại quán cà phê Đen Đá, Bônsa, 16.10.2021

Một trong những nhân vật "Bônsa Dị Nhân", đối với tôi phải kể đến Nguyễn Ngọc Lập. Ông là một nhà thuyết giảng tạo ra hai phản ứng đối cực trong khán thính giả. Có nhiều người nghe ông nói chuyện rồi cho ông là một kẻ điên rồ, nhưng có một số lượng không nhỏ, nhất là ở Việt Nam, rất thích nghe những bài nói chuyện của ông trên YouTube và coi ông như một triết gia với kiến thức bao quát. Theo lời ông kể thì có một lần về thăm Việt Nam, trung tướng Phạm Chuyên đã nói trước mặt mọi người như một lời khen tặng rằng, trí thức Việt Nam lẫn hải ngoại không ai hiểu được Nguyễn Ngọc Lâp.

Đối với tôi thì Nguyễn Ngọc Lập là một nhà thơ. Thơ của ông mang lại cho tôi nhiều cảm xúc. Ông đọc thơ cho tôi nghe trong nhiều dịp khác nhau, những bài rất hay như "Nhà Trống Quá Chị Ơi" hay "Cõi Tạm".  Trong mùa dịch Covid-19 dai dẳng kéo dài hơn cả năm, nhân dịp rãnh rỗi, tôi thử sáng tác nhạc và được ông đọc cho một bài thơ có tên "Bà Mẹ Phước Long" để phổ nhạc.

Trong lịch sử âm nhạc Việt Nam, hình tượng của Bà Mẹ trôi nỗi với thăng trầm vận mệnh đất nước được ghi lại khá nhiều, như "Bà Mẹ Gio Linh" của Phạm Duy nói về bà mẹ đi nhặt thủ cấp của con vừa bị thực dân Pháp chém đầu, với những câu đau như dao cắt:

Nghẹn ngào không nói một câu
Mang khăn gói đi lấy đầu
Đường về thôn xóm buồn teo
Xa xa tiếng chuông chùa reo ...


Hay "Ca dao Mẹ" của Trịnh Công Sơn, về một người mẹ buồn ru những đứa con lớn lên trong nghiệt ngã không lối thoát của chiến tranh:

Mẹ ngồi ru con đong đưa võng buồn năm qua tuổi mòn
Mẹ nhìn quê hương nghe con mình buồn giọt lệ ăn năn
Giọt lệ ăn năn đưa con về trần tủi nhục chung thân
Một dòng sông trôi cuốn mãi về trời bấp bênh phận người


Hay "Bà Mẹ Ô Lý" với bà mẹ bơ vơ trong tan nát của bom đạn, đèo con trên lưng, chạy bộ 120 cây số từ Quảng Trị vào Huế năm 1972 mà trên tay gia tài chỉ là một trái bí, định dùng bán để nuôi con:

Bí nằm bí ngủ đường xa
Trên vai mẹ già bao nhiêu vốn liếng

Nhớ tới một đời đã xới vun
Hôm naу bỏ vườn với xóm thôn
Ϲhân mẹ già sao run quá
Qua xương trắng với máu hồng.


Hay "Huyền Thoại Mẹ" nhớ lại những ngày mẹ gian truân nuôi con trong chiến tranh:

Mẹ làm gió mong manh.
Mẹ là nước chứa chan,
Trôi dùm con phiền muộn
Cho đời mãi trong lành
Mẹ chìm dưới gian nan.


Và nhiều bài hát về Mẹ nữa, nhưng dường như chưa có bài hát nào viết về người mẹ đi thăm con trong tù như bài "Bà Mẹ Phước Long", một hình ảnh mà trong suốt chiều dài lịch sử đầy những xung đột chiến tranh của Việt Nam, rất thường âm thầm thấy. Nhất là thân phận những người lính Việt Nam Cộng Hoà, những người thua cuộc và bị lịch sử bỏ quên. Tôi phổ nhạc bài thơ và đặt tên là "Đường Mười Đất Đỏ":

Đường Mười đất đỏ chiều tà
Lưng cong mẹ gánh chút quà tìm con
Dù xa mẹ vẫn tới đây
Cầm tay mẹ nhớ những ngày còn thơ


Đoạn trường con vẫn phong trần
Binh đao con vướng chút phần trả vay
Rừng xanh đồi núi thâm u
Tấm manh áo lạnh mây thu mịt mùng


Con ơi đời đã sang chương
Giờ con trôi dạt bốn phương là nhà
Mẹ con nay đã úa già
Thăm con lần cuối biết là ngày sau?


Đường Mười đất đỏ một mình
Quay lưng mẹ giấu mắt nhoà lệ rơi
Nhìn quanh rừng núi bao la
Mong con chí lớn chẳng sờn lòng son
Ngàn lau hiu hắt nước non
Mong con chí lớn lòng son chẳng sờn

Nguyễn Ngọc Lập nói về nguồn gốc và đọc bài thơ "Bà Mẹ Phước Long"
Đường Mười Đất Đỏ, thơ Nguyễn Ngọc Lập, nhạc Nhạn Sơn

Kênh YouTube nhạc của Nhạn Sơn:
https://www.youtube.com/channel/UCHoyA4b006CbmdvxCgOdRkQ

Latest